Hơn 4 ngày kể từ khi người dân phản ánh lên cơ quan chức năng TP. Hà Nội về tình trạng nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất, đơn vị sản xuất nước sạch sông Đà vẫn im lặng, cơ quan chức năng cũng chưa có bất cứ khuyến cáo nào thì người dân Hà Nội vẫn phải sống chung với nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất.
Hàng nghìn hộ dân hoang mang vì nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất
Chiều tối 11/10, anh Trần Minh Hoàng ở tòa nhà Hồ Gươm Plaza (phường Mỗ Lao, Hà Đông) phải đi mua hai bình nước tinh khiết loại 20 lít để nấu ăn cho cả gia đình và tắm cho trẻ nhỏ. Theo anh Hoàng, từ tối qua (10/10) gia đình đã phát hiện nước sạch sinh hoạt bốc mùi khó chịu, nồng nặc như mùi clo. Sau hơn một ngày, hiện tượng nước có mùi không giảm.
Nhiều hộ dân ở khu vực quận Hà Đông, các khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai), tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, Trung Văn (Nam Từ Liêm)… đều ghi nhận việc nước sạch có mùi lạ từ ngày 10/10.
Chị Vũ Hiền (khu chung cư Intracom tại Trung Văn, Nam Từ Liêm) cho biết, mùi nước rất hắc, xộc lên như mùi hóa chất, khét nồng. “Tôi đánh răng mà cảm giác cứ buồn nôn. Thậm chí, tay được lau sạch sẽ vẫn không hết mùi”, chị Hiền mô tả.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 12/10, tại các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân và H.Hoài Đức… tình trạng nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất vẫn tiếp diễn. Người dân hạn chế dùng nước sinh hoạt, thậm chí khóa van nước vì sợ nhiễm độc.
Tại khu đô thị Linh Đàm (Q. Hoàng Mai), cư dân chung cư HUD3 Linh Đàm tiếp tục phải dùng nước từ xe téc chuyển đến theo nguồn kinh phí của tòa nhà mua về để ăn uống. Còn nước sinh hoạt cấp nguồn nước sạch sông Đà chỉ để rửa tay chân, dội nhà vệ sinh, tắm xong phải lấy nước từ xe téc tráng lại.
Cách đó không xa, nhiều cư dân cụm chung cư HH Linh Đàm cũng hoang mang, lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt, dù không yên tâm nhưng vẫn phải dùng.
Người dân thất vọng vì chính quyền không có bất cứ khuyến cáo nào
Theo đó, người dân ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng từ mấy ngày nay đã phải hạn chế dùng nước sinh hoạt, thậm chí khóa van nước vì sợ nhiễm độc. Có gia đình cho nước qua máy lọc trước khi dùng. Nhiều nhà phải mua nước về sử dụng làm nước ăn và nước sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng.
“Thất vọng nhất là cơ quan chức năng không có khuyến cáo nào cho dân chúng tôi dù nước sinh hoạt có vấn đề đã vài ngày nay. Dù không yên tâm nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, vẫn phải dùng nước nặng mùi hôi hôi, khét khét”, ông Trần Thế Tâm (50 tuổi, cư dân chung cư HH Linh Đàm) bức xúc.
Một số người dân ở Linh Đàm có con nhỏ học tại Trường tiểu học Chu Văn An lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo nên đã thống nhất trong hội phụ huynh mua nước từ xe téc chở đến trường để nấu ăn cho các con.
Trước tình hình trên, nhiều hộ dân sống ở quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã phải đi xin nước giếng khoan lọc của những gia đình có giếng, có hộ dân tranh thủ trời mưa mang xô chậu ra hứng nước dùng tạm. Những gia đình khá giả hơn thì mua nước đóng bình về sinh hoạt…
Không ít gia đình lại chọn cách sơ tán về quê hoặc đến nhà người thân ở vùng không dùng nước sạch sông Đà do Viwasupco sản xuất để tá túc…
Biết nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm, doanh nghiệp vẫn im lặng
Sáng 14/10, tại cuộc họp báo thường niên của Bộ Tài nguyên Môi trường Hòa Bình, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Môi trường cho biết, nguyên nhân khiến nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn là do kẻ gian đổ trộm 2,5 tấn dầu thải ra khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình) vào tối 8/10.
Do khe núi này sát suối Trâm, trời hôm đó lại mưa lớn nên số dầu thải trên đã chảy vào kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch sông Đà, nơi cung cấp 300.000m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở thì khoảng 12h ngày 9/10, nhà máy nước sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện ra có dầu loang trên kênh dẫn nước nên đã thuê khoảng 50 người dân vớt dầu loang, với chi phí 500.000 đồng một ngày công.
Điều đáng nói là dù biết nguồn nước bị ô nhiễm bởi dầu thải nhưng nhà máy nước sạch sông Đà lại không hề phát đi bất cứ thông báo nào mà vẫn tiếp tục cung cấp nước cho các hộ dân tại thành phố Hà Nội.
Phải đến tận ngày 14/10 (5 ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội nổi váng), Công ty cổ phần nước sạch sông Đà mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội biết và cho đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian, xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy và huy động toàn bộ công nhân đi kiểm tra, thông báo với chính quyền địa phương để điều tra.
Đồng thời thuê người sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước để xử lý váng dầu, bổ sung than hoạt tính để tăng cường xử lý, tăng lượng clo lên mức 0,8 mg/l (mức trước đây là 0,3-0,5 mg/l).
“Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi clo, vì nước sau xử lý theo số liệu của Phòng hóa nghiệm công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế”, báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội nêu.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi Trường tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Doanh nghiệp cung cấp nước sạch, biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm”.
Hiện, Tổng Cục môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình sát sao kiểm soát, doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa.
Mặt khác, phối hợp với các ban ngành liên quan truy tìm xe đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước trên. Theo nguồn tin mới nhất của phóng viên, đến sáng 14/10, dòng suối Trâm, cách kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà gần một km, nước đã trong trở lại nhưng vẫn nồng nặc mùi khét. Đáy suối là một lớp bùn đen kịt.
Vũ Tuấn (t/h)