Hôm nay 8/2, để tiễn ông Công ông Táo chầu trời, người dân Hà Nội tìm đến các địa điểm ven hồ Tây, cầu Long Biên, Chương Dương, hai bên bờ sông Hồng… để thả cá chép.
Mỗi người dân thả cá với tâm thế, hành động thả cá khác nhau. Người thì nhẹ nhàng, nâng niu từng con cá rồi thả, người thì đổ thẳng cá từ túi nilong, xô xuống hồ… có người trước khi thả còn hôn cá rồi chắp tay khấn vái sau khi thả xong. Có người vì vội mà đánh rơi cả túi cá đang thả khiến chú cá không thể thoát ra ngoài. Một số người cẩn thận bắt từng con cá ném ra xa.
Cá chép lóp ngóp bơi trong làn nước ô nhiễm với bề mặt phủ đầy tro vàng mã. Trong khi đó, một số người đứng đợi với dụng cụ thô sơ để vớt cá.
Chị Nhu, một người thả cá ở Cầu Diễn, bức xúc nói: “Tôi mong những người vớt cá nghĩ về gia đình người khác, nếu họ cúng ông Công ông Táo rồi mang cá đi thả mà bị bắt ngay như thế thì có chấp nhận được không?”.
Lý giải hành động vớt cá, anh Nguyên cho rằng “nếu không bắt ngay thì đến chiều cá sẽ chết hết, do nước bị ô nhiễm quá nặng. Cá bắt về sẽ cho lợn, hoặc bán lại cho những người khác nuôi làm cảnh”.
Cá chết sau vài giờ thả xuống hồ
Để chấm dứt tình trạng “cá lên trời, rác ở lại” như các năm trước, dọc cầu Long Biên, Chương Dương, nhóm bạn trẻ tình nguyện đứng dọc hai bên để hỗ trợ người dân thả cá. Hơn 10 bạn khác cầm tấm biển ghi dòng chữ “thả cá đừng thả túi nylon”. Nhiều tấm biển với chủ đề xin đừng thả đồ vật, túi nylon xuống hồ để bảo vệ môi trường cũng được treo dọc hồ Tây từ nhiều ngày nay, nhưng tình trang thả cá cùng với túi ni lông xuống sông vẫn xảy ra hết sức tự nhiên.
Bà Trần Thị Thúy (68 tuổi, Chi hội phụ nữ phường Xuân La, Tây Hồ) đứng ở các điểm thả cá xuống hồ Tây từ chiều qua để hỗ trợ và nhắc nhở người dân “thả cá một cách có văn hóa”. Ngoài bà, còn khoảng 50 người khác đứng dọc bờ hồ để làm công việc tình nguyện nhắc nhở trong ngày này.
Bà Thúy kể, những năm trước, sau ngày 23 tháng chạp, lòng hồ Tây tràn ngập túi bóng, tro, bát hương, bàn thờ. Bởi vậy năm nay nhóm bà đứng đây để giải thích cho mọi người hiểu đúng về phóng sinh dịp lễ ông Táo cũng như các ngày cuối năm âm lịch. “Phải thả làm sao cho cá sống và sống khỏe. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhắc nhở người dân chỉ thả cá xuống hồ. Tro dùng bón cây và các loại rác khác thì thu gom để tiêu hủy”, bà nói.
Là năm thứ ba đứng ở hồ Tây, bà Thúy kể đã chứng kiến nhiều cảnh thả cá chép như “ném chúng vào chỗ chết”; có người đứng từ độ cao đến 4 mét đổ ụp xô cá xuống mặt hồ. “Năm ngoái có gia đình còn thả cả chục con cá lẫn đống tro. Vài giờ sau cá chết nổi kín một góc hồ”, bà nói.
Tất bật với công việc sáng 23 tháng chạp ở ven hồ, bà Nguyễn Mai Thuận (65 tuổi, Chi hội phụ nữ phường Bưởi) cho biết, nhiều người vẫn ném đồ cúng xuống nước dù được can ngăn. Có gia đình làm lễ ngay ven hồ sau đó hóa vàng rồi đổ ụp hàng tạ cua, ốc xuống hồ. Họ cho rằng “phóng sinh là phải vậy”. Bà thấy thất vọng hơn khi “rải rác vẫn còn người chuẩn bị sẵn vợt, thuyền để đi vớt cá, ốc vừa phóng sinh”.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hành động có ý thức của những người tình nguyện đi gom rác và túi nilong để giữ vệ sinh môi trường.
Ngân Ca (t/h)