Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, tình trạng ngập úng ở nội thành Hà Nội trong 2 trận mưa gần đây (29/05 và 13/06) ‘nghiêm trọng’ hơn so với báo cáo của thành phố.
Theo báo Tuổi Trẻ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ngày 16/06 đã có văn bản gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội về việc báo cáo tình hình thiên tai, thiệt hại trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, trong những năm qua, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra nhiều trận mưa cường suất lớn gây ngập lụt nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực nội thành.
Mưa lớn trong các ngày 29/05 và 13/06 ở Hà Nội đạt mức cao lịch sử, như tại làng Láng, lượng mưa ghi nhận trong vòng 2 giờ lên tới 138mm, khiến nhiều tuyến đường và khu dân cư bị ngập úng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, một số báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội chưa phản ánh cụ thể mức độ thiệt hại. Tình trạng ngập úng ở nội thành Hà Nội trong 2 trận mưa gần đây trên ‘nghiêm trọng’ hơn so với báo cáo của thành phố.
Mười ngày sau cơn mưa lớn, người dân Hà Nội phải đi thuyền qua đoạn ngập
Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, 10 ngày sau cơn mưa lịch sử hôm 29/05, người dân ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ vẫn phải đi thuyền về nhà vì ngập úng.
Trong khi đó, nguồn tin từ báo Dân Trí cho biết, 2 ngày sau cơn mưa lớn (13/06), người Hà Nội cũng phải đi đò qua đoạn ngập. Cụ thể, tại đường nhánh kết nối khu vực nội đô và bãi giữa sông Hồng khu vực ngõ 76 phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị ngập sâu tới hơn 2m. Nước ngập sâu khiến người dân sinh sống ở khu vực này phải di chuyển bằng đò.
Ông Bình, người lái đò đã hơn 20 năm ở đây chia sẻ: “Cứ mỗi độ mùa mưa lũ hàng năm đoạn đường này đều ngập, tuy nhiên có những năm ngập nhẹ vẫn đi xe máy qua được. Tới năm nay, nước lên rất nhanh, Hà Nội mưa lớn kèm theo nhà máy thủy điện Hòa Bình xả nước nên người dân buộc phải đi đò mới có thể sang khu vực bãi giữa sông Hồng”.
Chị Thu (người dân sống ở khu vực bãi giữa sông Hồng) cho biết: “Nước đã dâng cao khoảng hai hôm nay, khiến cuộc sống phần nào khó khăn hơn. Bình thường đi xe máy nhanh mà không mất tiền đò như hôm nay”…
Liên quan đến tình trạng trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan phải có báo cáo kịp thời, cụ thể diễn biến, công tác ứng phó, thiệt hại đối với các khu dân cư và phương tiện giao thông khi xảy ra mưa lớn.
Đồng thời tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng ứng phó đến cộng đồng và doanh nghiệp.
Vũ Tuấn (t/h)