Tinh Hoa

Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô từ 15.000 – 60.000 đồng/lượt

Đơn vị tư vấn đề xuất Sở GTVT Hà Nội mức phí thu ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ôtô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Tắc đường trên đường Trường Chinh (Hà Nội) giờ cao điểm. (Ảnh: NLD)

Mức thu dự kiến 

Theo báo VnExpress, mới đây Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) vừa báo cáo TP đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. 

Mức phí sẽ được thu theo khung giờ, giờ thấp điểm sẽ có mức phí thấp hoặc miễn phí, ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ sẽ không thu.

Đề xuất mức phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần): đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ: 25.000 đồng – 60.000 đồng/lượt.

Đối với xe tải các loại và xe ô tô từ 9 chỗ trở lên: 15.000 đồng – 40.000 đồng/lượt.

Các loại phương tiện được miễn phí gồm: Xe công vụ, xe ưu tiên theo quy định (cứu thương, công an, quân đội, cứu hỏa…), xe buýt. 

Các loại phương tiện được giảm phí gồm: Xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe kinh doanh vận tải, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho biết, mức phí được xây dựng trên một số nguyên tắc: Áp dụng mức thu tăng dần với các phương tiện có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm; tác động làm thay đổi hành vi người tham gia giao thông theo chiều hướng tích cực; mục tiêu ưu tiên không phải là lợi nhuận, thu phí chủ yếu để bù đắp chi phí đầu tư và vận hành.

Theo kết quả điều tra xã hội học năm 2019, người dân chấp nhận mức phí là 23.500 đồng. 55% người dân tham gia khảo sát chấp nhận trả phí để đi lại bằng ôtô, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện được miễn, giảm phí.

Cũng theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, nếu đề án được thực hiện thì sẽ đem lại nhiều lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế. Mật độ giao thông trên trục chính sẽ giảm từ 8 đến 30%. Từ đó cũng sẽ làm giảm trên 350.000 tấn CO2 trên địa bàn. Không những thế quy định thu phí còn làm thay đổi hành vi sử dụng phương tiện và văn hóa giao thông của người dân, mọi người sẽ chuyển từ ôtô sang phương tiện công cộng, xe đạp.

Hơn 2.600 tỷ đồng để xây 87 trạm thu phí

Đường phố Hà Nội ngày 19/7, ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Vnexpress)

Theo báo Thanh Niên, tổng mức đầu tư dự kiến cho 87 trạm thu phí tại 68 vị trí ở Hà Nội sẽ vào khoảng 2.646 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.

Trong đó, dự kiến giai đoạn đầu sẽ chi khoảng 456,27 tỷ đồng để thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí. Giai đoạn 2 dự chi khoảng 1.794 tỷ đồng đầu tư xây dựng 59 trạm tại 46 vị trí. Giai đoạn 3 kinh phí khoảng 395,43 tỷ đồng để hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 13 trạm tại 13 vị trí.

Với mức phí dự thu như trên, giai đoạn 1 sẽ  thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm.

Yên Yên (t/h)