Hôm 22/8, Tòa án Liên bang địa hạt ở bang Bắc Dakota nhận được đơn kiện dài tới 231 trang cáo buộc Greenpeace (tổ chức Hòa Bình Xanh) đã khủng bố, phạm tội có tổ chức và thực hiện các hoạt động phi pháp.
Energy Transfer Partners, công ty dầu khí có trụ sở ở Dallas và là chủ thầu dự án đường ống dẫn dầu Dakota Access, cáo buộc tổ chức Hòa Bình Xanh đã tiến hành một cuộc chiến quần chúng nhằm vào dự án của họ với mục đích thu hút thêm nhiều khoản quyên góp và thu lợi ích từ việc liên quan đến một vấn đề chính trị nóng.
Energy Transfer Partners không phải là tổ chức đầu tiên tố cáo Hòa bình Xanh tập trung vào các vấn đề chính trị thay vì sứ mệnh bảo vệ môi trường của họ. Patrick Moore, một trong những nhà sáng lập Hòa Bình Xanh đã rời khỏi tổ chức phi lợi nhuận này vào năm 1986 sau khi từ chối tham gia lại chiến dịch phản đối Clorine trong nước uống đã bị chính trị hóa.
“Các đồng nghiệp cũ của tôi đã lờ đi khoa học và ủng hộ lệnh cấm, buộc tôi rời đi”, Moore – nhà chỉ trích Hòa bình Xanh kể từ khi rời khỏi tổ chức này, đã viết trong một bài xã luận năm 2008 của Wall Street Journal.
Trong đơn khiếu nại nộp cho Tòa án Liên bang địa hạt ở bang Bắc Dakota, nhóm luật sư của Energy Transfer Partners đã cố gắng hết sức trình bày để cho thấy Hòa Bình Xanh đã ngăn cản dự án đường ống dẫn dầu của thân chủ họ.
Hòa Bình Xanh và các đối tác môi trường của họ đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về đường ống dẫn Dakota Access một cách khôn ngoan nhằm phổ biến “sự phô trương giả dối” về hầu như mọi khía cạnh của dự án.
“Nếu những nhóm môi trường bị mua chuộc này thực sự tập trung vào môi trường, thì họ sẽ tập trung vào các sự thật và khoa học. Nhưng thay vào đó, họ tập trung hoàn toàn vào các đầu đề giật gân sẽ đem lại cảm xúc mạnh mẽ và từ đó “gây sức ép” (tức là thao túng) lên công chúng nói chung“, đơn kiện lập luận.
Hành động này gây tổn hại đến danh tiếng của các mục tiêu dự định, đồng thời thúc đẩy các nhà tài trợ không ý thức được về khả năng trái pháp luật và thủ đoạn tống tiền của Hòa Bình Xanh đóng góp cho tổ chức này, đơn kiện tố cáo.
Các luật sư cũng tiếp tục cáo buộc Hòa Bình Xanh về các vụ tấn công khủng bố theo Đạo luật Yêu nước, gồm “phá hủy thiết bị năng lượng, đường ống dẫn chất lỏng nguy hiểm, sự đốt phá và ném bom tài sản của chính phủ gây nguy hiểm hoặc thương vong, sự đốt phá và ném bom những tài sản được dùng trong thương mại giữa các bang và việc phá hủy tài sản chính phủ”.
Tom Wetterer, tổng cố vấn của tổ chức Hòa Bình Xanh Mỹ, nói với tờ Washington Post rằng các luật sư của Energy Transfer Partners là “những tay sai sẵn sàng lạm dụng hệ thống pháp luật để buộc hoạt động vận động chính đáng phải im lặng”.
Sau nhiều tháng diễn ra biểu tình, Tổng thống Barack Obama năm 2016 đã từ chối cấp phép khiến đường ống dẫn dầu Dakota Access phải tạm dừng xây dựng. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1 đã cho phép khởi công lại dự án này. Đường ống dẫn dầu trên bắt đầu bơm vào tháng 6 vừa qua.
Ngọc Khải biên dịch