Các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) Google tin rằng có những vấn đề cấp thiết hơn so với nguy cơ huỷ diệt loài người dưới bàn tay các cỗ máy siêu thông minh.
Các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của Google tin rằng có những vấn đề cấp thiết hơn so với nguy cơ huỷ diệt loài người dưới bàn tay các cỗ máy siêu thông minh, và những người nói trí tuệ nhân tạo sẽ huỷ diệt chúng ta thật là phi lý.
“Dù bộ phim Terminator (Kẻ huỷ diệt) sắp tới sẽ khiến chúng ta choáng váng hay một số nhà khoa học điên rồ đang tìm cách tạo ra những con robot nữ biến thái, thì chuyện này đã chiếm hết phần đáng kể thời gian của chúng ta”, theo chia sẻ của Mustafa Suleyman, trưởng Bộ phận Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng tại Google DeepMind, công ty trí tuệ nhân tạo do ông sáng lập tại Luân Đôn bán lại cho Google với giá khoảng 400 triệu USD vào năm 2014.
“Câu chuyện đã chuyển từ ‘Thật tệ là trí tuệ nhân tạo đã thất bại’ sang ‘Thật tệ là trí tuệ nhân tạo lại thành công đến thế’”, Suleyman chia sẻ tại sự kiện học máy ở Luân Đôn Thứ 6 tuần trước.
DeepMind thực sự toả sáng sau khi xuất bản một bài báo trên tạp chí Nature cho thấy cách lập trình máy tính để tự học cách chơi trò Atari giỏi hơn con người. Sau nhiều năm hứa hẹn và thất vọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bước đột phá của DeepMind thay vì phải dạy máy tính chơi từng trò chơi, máy có thể vận dụng kiến thức thu thập được từ các trò chơi trước sang những trò khác.
Bước đột phá này, theo Suleyman là một trong các đột phá quan trọng nhất về trí tuệ nhân tạo trong thời gian dài, nhen nhóm lên nỗi lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Vào năm 2014, một số nhân vật như nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking, Bill Gates và Elon Mush của Tesla, một nhà đầu tư khá sớm vào DeepMind, đã lên tiếng về các lo ngại đối với nguy cơ huỷ hoại nhân loại của trí tuệ nhân tạo.
Suleyman chia sẻ: “Chúng tôi coi trí tuệ nhân tạo là công cụ cực kỳ mạnh mẽ và chúng tôi sẽ kiểm soát, định hướng, giới hạn năng lực, giống như bạn làm với bất kỳ công cụ nào khác mà chúng ta có trên thế giới, dù chúng là những chiếc máy giặt hay máy kéo. Chúng tôi xây dựng chúng để thêm sức mạnh cho nhân loại, không phải để huỷ hoại chúng ta”.
Suleyman nói thêm: “Ý tưởng nên dành thời gian hiện tại để bàn về ý thức và quyền của robot thật là phi lý”.
Tuy nhiên, Suleyman tiếp cận vấn đề đằng sau sự cường điệu hoá rất nghiêm túc. DeepMind đã thành lập một uỷ ban an toàn đạo đức, một điều kiện mua lại của Google. Sau này, bất kỳ sản phẩm nào liên quan tới trí tuệ nhân tạo của DeepMind cũng không được phép sử dụng cho mục đích quân sự hay tình báo.
Thế nhưng, hơn 1 năm kể từ khi thâu tóm, Google chưa tiết lộ công khai thêm bất kỳ thông tin gì về uỷ ban đạo đức này mặc dù có rất nhiều yêu cầu từ giới truyền thông và học thuật.
Suleyman không bình luận về việc thành lập, chọn lựa thành viên, cơ chế hoạt động của uỷ ban đạo đức trí tuệ nhân tạo ra sao. Ông nói Google đang thành lập một nhóm các nhà học thuật, nhà nghiên cứu chính sách, kinh tế gia, triết gia và luật sư để giải quyết vấn đề đạo đức, nhưng hiện tại chỉ có 3 hoặc 4 người tập trung vào việc này.
“Chúng tôi sẽ công bố công khai đúng dịp”, Suleyman nói. Một phát ngôn viên Google từ chối bình luận về uỷ ban đạo đức vào Thứ Hai (8/6) vừa qua.
Khi được hỏi tại sao Google giữ bí mật về thành phần của uỷ ban đạo đức trí tuệ nhân tạo mặc dù rất nhiều người kêu gọi công khai minh bạch, ông Suleyman nói “Tôi đã nói điều này với Larry Page, đồng sáng lập Google. Tôi hoàn toàn đồng ý. Về cơ bản chúng tôi vẫn là một tổ chức và tôi cho rằng đây là câu hỏi dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi nhận thức rõ rằng vấn đề này thực sự phức tạp và chúng tôi không có ý định thực hiện nó một mình”.
Theo Trí Thức Trẻ/WSJ