Tinh Hoa

Google nhận án phạt kỷ lục 2,7 tỷ USD vì gian lận kết quả tìm kiếm

Giới chức chống độc quyền châu Âu cho rằng Google đã lợi dụng vị thế độc quyền, thao túng kết quả tìm kiếm đối với dịch vụ mua sắm của hãng nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ.

Google đang gặp nhiều rắc rối pháp lý tại châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, đại gia công nghệ Mỹ đã sử dụng kết quả tìm kiếm để cố tình dẫn dắt người dùng đến nền tảng mua sắm Google Shopping. Số tiền phạt họ đưa ra là 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD)

Đây là khoản tiền phạt kỷ lục, đánh dấu chương mới trong cuộc chiến dai dẳng giữa châu Âu và Google trong nhiều năm qua.

Những việc Google đã làm là trái với luật chống độc quyền của châu Âu. Họ không cho các công ty khác cơ hội cạnh tranh và đột phá. Quan trọng nhất là họ không cho người tiêu dùng châu Âu có lựa chọn chính xác, có lợi nhất“, Margrethe Vestager – người đứng đầu cơ quan chống độc quyền châu Âu cho biết.

Việc điều tra được tiến hành sau khi EC nhận được hàng chục ý kiến từ các công ty Mỹ và châu Âu, cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị trong mảng tìm kiếm để làm lợi cho dịch vụ Google Shopping.

Google có 90 ngày để thay đổi hành vi hoặc đối mặt với khoản phạt lên đến 5% doanh thu trung bình hàng ngày của Alphabet – công ty mẹ của Google. EC cũng sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo Google tuân thủ án phạt.

Margrethe Vestager, Giám đốc cơ quan chống độc quyền của EU từng là người khiến Apple phải trả lại đủ 14,5 tỷ USD tiền trốn thuế ở Ireland, “sờ gáy” hành vi trốn thuế của Amazon tại châu Âu và cảnh báo mối nguy hại của Facebook đối với dữ liệu số của người dân. (Ảnh: EPA)

Về phần mình, Google phủ nhận tất cả những cáo buộc trên. Gã khổng lồ công nghệ cho rằng những dịch vụ của mình đã giúp nền kinh tế kỹ thuật số của cả khu vực phát triển và được hàng trăm triệu người dùng ở châu Âu sử dụng mỗi ngày. Google khẳng định họ vẫn có những đối thủ nặng ký ở châu Âu như Amazon và eBay.

Google có quyền kháng cáo quyết định này. Người đại diện của Google cho biết, công ty sẽ xem xét lại các phán quyết của Uỷ ban chống độc quyền châu Âu và tiếp tục đấu tranh.

Theo luật châu Âu, Google phải đưa ra những đề xuất để đảm bảo rằng các kết quả tìm kiếm trên Google Search sẽ công bằng với các đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn khi người dùng tìm kiếm một dịch vụ thư điện tử, kết quả trả về phải đảm bảo có cả Gmail lẫn các dịch vụ email khác tại địa phương chứ không thể chỉ hiện ra các trang dẫn về Gmail.

Đây cũng không phải việc duy nhất khiến họ đau đầu tại châu Âu. EC cáo buộc công ty này lạm dụng quyền lực để hạn chế các nhà mạng và các hãng sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành Android. Dịch vụ quảng cáo AdSense của họ cũng đang bị điều tra.

TinhHoa tổng hợp