Tinh Hoa

Google đang đi theo “cái ác”?

Theo Intercept, sắp có phiên bản Google Search dành riêng cho Trung Quốc vào năm 2019, cho phép chính quyền nước này kiểm duyệt kết quả tìm kiếm, chặn các trang web và thuật ngữ nhất định.

Google quay trở lại Trung Quốc. (Ảnh qua thesun.co)

Theo Intercept dẫn lời một số nguồn tin thân cận với Google cho thấy, dự án có mã tên “Dragonfly” đã được triển khai từ mùa Xuân năm 2017.

Tiến độ của dự án được đẩy nhanh sau cuộc họp vào tháng 12 giữa Giám đốc điều hành của Google, Sundar Pichai, và một quan chức hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.

Theo Intercept, các thuật ngữ tìm kiếm về quyền con người, dân chủ, tôn giáo tín ngưỡng, các cuộc biểu tình ôn hòa sẽ nằm trong số những từ bị đưa vào danh sách đen trong ứng dụng công cụ tìm kiếm Google, và ứng dụng này đã được trình bày cho chính phủ Trung Quốc.

Những nội dung “nhạy cảm” như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, hay những cuốn sách về chính phủ độc tài như “1984” của George Orwell,… sẽ bị xóa khỏi toàn bộ nền tảng tại Trung Quốc của Google bao gồm kết quả tìm kiếm, hình ảnh, kiểm tra chính tả và gợi ý tìm kiếm.

Những nội dung “nhạy cảm” như cuộc đàn áp Pháp Luân Công sẽ bị Google Search phiên bản Trung Quốc kiểm duyệt. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, “Google Search phiên bản Trung Quốc” được cho là sẽ chặn các dịch vụ phương Tây bị cấm ở nước này gồm Facebook, Twitter và Instagram. Ngoài ra, các tờ báo nước ngoài như New York Times, BBC, Epoch Times, RFA cũng không xuất hiện.

Phiên bản hoàn thiện có thể sẽ được đưa ra trong vòng 6 đến 9 tháng tới trong khi chờ đợi sự chấp thuận của các quan chức Trung Quốc, trang Intercept cho biết thêm.

Hồi tháng 1/2017 vừa qua, Google cũng đã tham gia đầu tư vào trang trò chơi di động trực tuyến Trung Quốc Chushou, và đầu tháng 8 đã cho ra mắt trò chơi trí tuệ nhân tạo (AI) trên ứng dụng mạng xã hội WeChat của công ty Trung Quốc Tencent.

Khẩu hiệu của Google được gói gọn trong cụm từ “don’t be evil” nghĩa là không làm điều ác. Năm 2010, vì từ chối yêu cầu phối hợp kiểm duyệt Internet của chính phủ Trung Quốc, 2 nhà đồng sáng lập Google thà rời bỏ thị trường Trung Quốc, rời bỏ lợi nhuận khổng lồ cũng không thông đồng với chính phủ Trung Quốc gây tổn hại đến quyền tự do truy cập thông tin của nhân dân Trung Quốc. Hành động này đã nhận được sự kính trọng từ vô số cư dân mạng Trung Quốc.

Hiện nay tình trạng kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc vẫn đang tồi tệ hơn bao giờ hết, nhưng Google lại quay trở lại. Trên thực tế, năm 2016, CEO Sundar Pichai đã thông báo: “Chúng tôi muốn đến Trung Quốc để phục vụ người dùng Trung Quốc”.

Sundar Pichai, CEO hiện nay của Google. (Ảnh qua Pragativadi)

Đó là một thị trường khổng lồ với tiềm năng lớn về lợi nhuận. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phải trao quyền kiểm duyệt thông tin cho một chính quyền chuyên chế độc tài, giống như nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin đã đưa vấn đề này ra vào năm 2010?

Nói không với Trung Quốc sẽ có thể bỏ lỡ cơ hội kiếm về rất nhiều tiền, nhưng như vậy sẽ không làm tổn hại đến quyền tự do truy cập thông tin của 750 triệu người dùng internet Trung Quốc.

Và nếu một tập đoàn lớn như vậy cúi đầu trước chính quyền độc tài Trung Quốc, thì những công ty nhỏ hơn cũng sẽ dễ dàng theo đó vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp đạo lý.

Vẫn còn thời gian để thay đổi và ủng hộ cho quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do Internet.

Hồng Liên (t/h)