Những bác giun được du hành vũ trụ lão hóa chậm hơn nên sẽ sống lâu hơn đồng loại dưới mặt đất, Roskosmos cho biết theo kết quả nghiên cứu trên Trạm ISS.
Các nhà khoa học Anh và Nhật đã quan sát 11 ngày cuộc sống của loài giun tròn (tên khoa học Caenorhabditis elegans) được đưa lên khoang của Trạm Không gian Quốc tế ISS và thấy quá trình lão hóa của bị chậm lại, khiến chúng sống lâu hơn các “bạn bè” dưới Trái đất. Nếu quy ra cuộc đời của loài người, thì cuộc du hành đặc biệt ấy làm chúng sống thọ thêm được trung bình là 16 năm. Hoạt tính của 199 gen của giun trên vũ trụ về chuyển hóa giảm xuống, trong khi tuổi thọ của các gen này lại tăng lên. Trong số đó có 11 gen liên quan đến việc chuyển thông tin qua hệ thần kinh và hệ nội tiết. 7 trong 11 gen bị đột biến theo hướng giảm hoạt tinh và tăng tuổi thọ, đài phát thanh Tiếng nói nước Nga cho biết thêm. Hiện tượng giun sẽ sống lâu hơn trong vũ trụ làm các nhà khoa học rất ngạc nhiên vì cơ thể người trong điều kiện chân không vũ trụ thì ngược lại, sẽ bị già nhanh hơn khá nhiều. Việc nghiên cứu tác động của tình trạng không trọng lượng cũng như các cơ chế của quá trình thích nghi sinh học trong các chuyên bay vào không gian có ảnh hưởng lớn khi con người thực hiện những chuyến bay dài ngày. Những nghiên cứu này sẽ đóng góp vào việc phát triển các công nghệ mới trong y học vì chúng cho phép các nhà khoa học nghiên cứu những quá trinh sinh học của cơ thể sống trên những khia cạnh khác nhau. Bảo Châu |
Theo VietnamNet