“Bạn tôi, bước trên một con đường khác, với triết lý khác. Giữa chúng tôi, mơ hồ có sự rạn nứt, và tôi cảm thụ được điều đó.“
Tôi vẫn luôn thường tự hỏi những người mặc áo xanh ấy họ nghĩ gì. Một người bạn cũ, từng là thân thiết nhất đối với tôi thời cấp III bước chân vào trường công an sau đó, đã không còn coi tôi là bạn. Và tôi vẫn luôn đau đáu về tình bạn giữa chúng tôi, với niềm hi vọng mong manh rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể giao hảo như xưa.
Chúng tôi vốn là một cặp tương phản. Trong khi tôi là một đứa ốm nhách, bệnh tật, học kém và tất nhiên là không mấy khi được các cô gái chú ý thì cậu ta lại là một chàng trai ưu tú với rất nhiều cô gái vây quanh. Tôi có ganh tị với cậu ấy không? Có lẽ, tôi không chắc nữa, tôi không suy nghĩ quá nhiều về điều đó, và càng về sau này thì càng không.
Cả hai chúng tôi đều có tính cách tương đối thẳng thắn. Khi tôi qua nhà cậu ấy, và dùng bữa với gia đình cậu, cậu cũng không ngần ngại bắt tôi rửa chén. Cha mẹ, và có lẽ cả chị cậu cũng đều khá thích tôi, và tôi cũng yêu quý họ như vậy. Ngay cả bây giờ, tôi cũng chưa từng ngừng yêu quý họ.
Tôi đã từng nghĩ rằng, mối quan hệ này giữa chúng tôi sẽ không bao giờ chấm dứt. Và cậu ấy cũng từng nói rằng, tôi là người bạn thời trung học cuối cùng mà cậu còn liên hệ. Cậu ấy thậm chí còn không đến buổi họp lớp, nhưng vẫn thăm hỏi tôi. Và tôi nghĩ rằng mình là một phần đặc biệt của cậu.
Nửa đầu của thời đại học của tôi là một quãng thời gian dài u ám. Tôi không thích nghi được với môi trường mới, và không có những bạn bè thân thiết xung quanh. Bệnh tật và cả những thú vui bẩn thỉu đã kéo tôi xuống vực thẳm. Một ngày nọ, tôi tìm thấy được câu trả lời cho nhân sinh của mình. Đó là khi tôi bước chân vào một Pháp môn tu Phật tuyệt diệu. ‘Ông’ đã kéo tôi ra khỏi bờ vực sụp đổ, cho tôi hiểu được chân lý. Tôi có niềm tin vào nhân quả, về luân hồi, và biết cách trở thành một người tốt thực sự, đồng thời trở nên khỏe mạnh sau đó.
Bạn tôi, bước trên một con đường khác, với triết lý khác. Giữa chúng tôi, mơ hồ có sự rạn nứt, và tôi cảm thụ được điều đó. Tôi muốn chia sẻ với cậu về điều tuyệt vời mà tôi đã tìm được. Nhưng tôi đã ngần ngại, tôi cảm nhận rằng cậu khó mà tiếp thu được và rồi tình bạn của chúng tôi sẽ kết thúc. Ý niệm này ban đầu chỉ là một cảm giác, và tôi không định hình về nó, nhưng nó đã kìm hãm tôi khi nghĩ về điều ấy.
Thế rồi, theo thời gian trôi qua, tôi cảm thấy rằng mình có một trách nhiệm, một sứ mệnh rằng cần phải đem điều tốt lành đến cho người khác. Điều gì vĩ đại hơn Phật Pháp? Đó chính xác là sự tri ân lớn nhất mà đời người có thể làm. Chúng tôi đã trò chuyện về chủ đề này, không chỉ một lần, nhưng mỗi một lần đều gay gắt hơn. Và trong một lần cố gắng thay đổi niềm tin của nhau, cậu ấy đã đẩy mối quan hệ giữa chúng tôi trở thành đối lập.
“Vì mày đã đi theo con đường này nên tao và mày không thể là bạn nữa”, cậu nói.
Tôi cảm thấy rụng rời khi cậu nói như thế. Trong lòng tôi nặng trịch, nhưng biết rằng không níu kéo được cậu ấy lúc đó nên tôi đã buông xuôi. Tôi thở dài và nói:
“Nguyện những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mày, bạn cũ ạ.”
Và đó là chấm dứt thật sự cho chúng tôi. Mất một vài năm để tôi thôi không suy nghĩ về nó, mỗi lần hồi tưởng thì sự khó chịu đều trỗi dậy trong lòng. Tôi tự hỏi điều gì trong cậu đã khiến cậu cắt đứt tình bạn này, và liên tưởng đến những thảm kịch trong Phá Tứ Cựu. Thời ấy, không chỉ là giữa bạn bè, mà giữa những người thân, gồm cả các mối quan hệ vợ – chồng, cha – con, bà- cháu, đều nảy sinh mâu thuẫn tương tự, họ vì con đường khác nhau mà trở nên đối lập, và thậm chí là trở thành kẻ thù. Đó là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại. Sai lầm của chúng ta là đã không đứng trên lập trường nhân cách và phẩm giá mà phân biệt, mà lại đứng trên lập trường tôn giáo hoặc quan niệm. Giữa Phật tử và một Đảng viên Cộng sản có thể không có khác biệt về tâm hồn, giữa một người quan niệm duy vật và duy tâm có thể không có khác biệt nhiều về tiêu chuẩn đạo đức.
Văn hóa Á Đông cũng đã sinh ra nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Thời bách gia chư tử, giữa các trường phái đều có mâu thuẫn nhất định, đỉnh điểm là sự kiện đốt sách diệt Nho. Cho đến thời Phật Đạo chi tranh, cũng nảy sinh mấy lần diệt Phật. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, văn minh phương Đông đã đạt được sự dung hòa giữa các hệ tư tưởng, những nhân vật đại biểu giữa các trường phái đã tìm được điểm chung, và đó là nền tảng của Tam giáo đồng nguyên. Có lẽ, vào thời cực thịnh của nền văn minh, những người tu Phật đã giác ngộ được sự từ bi, những nhà Nho đã hiểu được cái ý trung dung trong câu quân tử hòa nhi bất đồng, họ cuối cùng cũng nhận ra rằng, dù đi con đường khác nhau nhưng cái đích cũng chỉ là một.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và quan điểm của các tôn giáo chính thống là hoàn toàn đối lập với nhau, càng đi đến cùng cực thì càng như vậy. Giữa Đảng tính và Phật tính cũng là đối lập. Và sự khác biệt sẽ lớn lên khi người ta đi càng xa trên hai lối đi đối lập này.
Từ Thức