(Zing) – Năm nay, thời điểm mặt trăng gần trái đất nhất vào tối 5/5, trăng sẽ lớn và sáng hơn nhiều so với bình thường. Các bạn trẻ ở Hà Nội sẽ tổ chức quan sát hiện tượng này.
>> >> >> Ngắm hình ảnh ‘siêu mặt trăng’ trên thế giới Năm ngoái, siêu mặt trăng gây xôn xao dư luận, nhưng năm nay thì có vẻ chìm lắng hơn. Có lẽ bởi mọi người đã dần quen với hiện tượng này, bởi trong một tháng sẽ có thời điểm mặt trăng xa nhất, thời điểm mặt trăng gần nhất so với Trái đất, tương tự, một năm cũng vậy.
Năm nay, siêu mặt trăng diễn ra vào đêm 5/5. Đây là thời điểm mặt trăng gần trái đất nhất trong năm, vì thế, nhìn mặt trăng sẽ lớn và sáng hơn nhiều so với bình thường. “Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho việc quan sát, vì trời rất nắng, không có mây. Hiện tượng lại diễn ra vào đúng đêm rằm (15/4 âm lịch) nên mặt trăng hiện lên rất rõ” – bạn Trương Ngọc Khánh, chủ nhiệm Hội Thiên văn Nghiệp dư Trẻ Hà Nội (HAC)cho biết. Khánh cũng chia sẻ, vào tối 5/5, HAC sẽ tổ chức quan sát siêu mặt trăng, địa điểm dự kiến là trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nếu không tập trung cùng nhau quan sát, các bạn trẻ yêu thiên văn cũng thoải mái quan sát hiện tượng này khi Mặt trăng vừa xuất hiện trên bầu trời. Trong khi đó, theo anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM cho biết CLB không tổ chức quan sát siêu mặt trăng. Anh Duy cũng khẳng định: “Tới thời điểm này chưa có một bài báo, một nghiên cứu khoa học nào cho thấy siêu Mặt trăng sẽ ảnh hưởng tới động đất, sóng thần. Đây là một hiện tượng vẫn xảy ra hằng năm, nó chỉ tác động nhỏ tới thủy triều, bởi thủy triều lên xuống theo chu kỳ của mặt trăng. Vì thế, vào đêm 5/5 tới, siêu mặt trăng chỉ có ảnh hưởng nhỏ tới việc lên xuống của thủy triều tại TP.HCM”. Thủy Nguyên Theo Infonet |
Theo Zing