Vừa qua, phát ngôn của Đạt Lai Lạt Ma về “phụ nữ đẹp” làm dấy lên làn sóng phản ứng trái chiều trên thế giới. Đặc biệt, khiến nhiều nhà hoạt động nữ quyền ở Ấn Độ tức giận.
Cuộc phỏng vấn của BBC ngày 22/9 kéo dài 7 phút, được tiến hành trong chuyến thăm London của Đạt Lai Lạt Ma. Hầu hết chủ đề trong cuộc phỏng vấn đều xoay quanh khủng hoảng người tị nạn và mối xung đột dai dẳng đang diễn ra ở Trung Đông.
Phóng viên Clive Myrie đặt câu hỏi với Đạt Lai Lạt Ma rằng liệu người kế nhiệm ông có thể là một phụ nữ hay không, ông trả lời một cách chắc chắn: “Người phụ nữ, theo sinh học mà nói, có nhiều khả năng thể hiện tình cảm và lòng trắc ẩn hơn. Do đó, trong thế giới xô bồ này, phụ nữ nên có vai trò quan trọng hơn”.
Đức Lạt Ma sau đó nghiêng người về phía Myrie và nói thêm: “Nếu là một người phụ nữ, người này phải có khuôn mặt cực kỳ thu hút. Nếu không, cô ấy sẽ không có ích cho lắm”.
Bị bất ngờ bởi câu trả lời này, Myrie hỏi lại rằng ông có đang đùa hay không, Đức Lạt Ma liền khẳng định “đó là sự thật”.
Câu trả lời trên ngay lập tức đã xuất hiện tràn ngập trên các trang web hoạt động vì nữ quyền. Nhìn chung, giới truyền thông và các nhóm hoạt động xã hội đều thể hiện sự bất ngờ và thất vọng đối với Đạt Lai Lạt Ma. Họ cho biết phát ngôn này đi ngược hoàn toàn với những gì mà ông phát biểu về nữ quyền trước đó.
Nhiều nhà hoạt động nữ quyền ở Ấn Độ tỏ ra bất ngờ và phản đối
“Loài người trong xã hội công cộng có tác động vô cùng lớn, dù đó có là đức Đạt Lai Lạt Ma, một chính khách cấp cao hay bất cứ ai đi nữa. Khi bạn muốn đưa ra bất cứ tuyên bố nào, dù có là đùa cợt hay không với thái độ nghiêm túc, nó vẫn sẽ đem đến hậu quả”.
“Vì vậy, phản ứng duy nhất của tôi chính là yêu cầu những người có tầm ảnh hưởng ấy rút lại những lời nhận xét như thế này”, bà Lalitha Kumaramangalam, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia về phụ nữ, cho biết.
Bà Vivienne Hayes, giám đốc điều hành Trung tâm Nguồn lực phụ nữ, cho biết: “Chúng tôi e rằng trong thực tế, xã hội đang đi ngược lại quyền bình đẳng của phụ nữ, và chúng tôi sẽ không ngừng vận động để chống lại điều này”.
Nicole Rowe, người phát ngôn Tổ chức Phụ nữ tiến bộ, hoạt động vì mục đích trao quyền cho phụ nữ trong cuộc sống, cho rằng cô “rất thất vọng khi một người đàn ông từ bi và trí tuệ như thế lại đưa ra một ý kiến ngược ngạo như vậy”.
“Việc duy trì tư tưởng cổ hủ rằng phụ nữ chỉ hữu ích như một món đồ trang trí, cũng như cách nói ‘phụ nữ chỉ nên được nhìn chứ không được nghe’ chỉ làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử mà người phụ nữ phải chịu cho đến ngày hôm nay. Vẻ bề ngoài của người phụ nữ không quan trọng hơn những gì họ có thể làm được. Chúng tôi hi vọng rằng đức Lạt Ma sẽ dành thời gian để suy ngẫm về tác động của những gì ông ấy đã nói đến với người phụ nữ, đặc biệt là từ tầm ảnh hưởng của mình”.
Lời nói của đức Lạt Ma còn khiến nhà hoạt động nữ quyền Ấn Độ Abha Singh tức giận. Cô nói: “Tôi lên án lời nói của Đạt Lai Lạt Ma và yêu cầu ông ấy hãy gửi lời xin lỗi đến phụ nữ trên toàn thế giới bởi vì tầm ảnh hưởng của ông đã lan rộng ra toàn cầu”.
Nghị sĩ Tây tạng lại ủng hộ vì cho rằng câu nói có ý nghĩa khác
Trong khi đó, người Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala lại thể hiện sự ủng hộ đối với đức Lạt Ma khi cho rằng tuyên bố của ông hướng đến vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ.
“Một người phụ nữ ‘cuốn hút’ theo ý đức Lạt Ma mà tôi cảm nhận được là một người có giá trị đạo đức, người không hẳn là phụ nữ theo khía cạnh giới tính, mà là “nữ” trong tất cả các thuộc tính tốt đẹp đi kèm, và đó là một người phụ nữ cuốn hút đức Lạt Ma: người có khả năng thu hút tất cả mọi người xung quanh vì đức tính của họ”, bà Dhardon Sharling, thành viên quốc hội lưu vong Tây Tạng, cho biết.
Một nghị sĩ Tây Tạng khác, ông B.Tsering, khẳng định đức Lạt Ma vẫn thường nói phụ nữ nên tham gia lãnh đạo chính trị vì bản chất từ bi của họ. “Ông hay nói rằng phụ nữ nên nắm quyền lãnh đạo chính trị bởi vì họ ít tham nhũng hơn, nhân từ hơn và có đạo đức hơn”.
Đạt Lai Lạt Ma, năm nay 80 tuổi, có tên thật là Tenzin Gyatso. Ông từng nhận giải Nobel hòa bình vào năm 1989 và được các nhà hoạt động xã hội phương Tây ca ngợi về hoạt động vì sự độc lập của Tây Tạng cùng nhiều đóng góp khác.
Ông sẽ đưa ra quyết định về người kế nhiệm cương vị của mình để trở thành đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 vào năm ông 90 tuổi.
Theo tuoitre.vn / vomedia.ca