3 triệu hồi ấy bằng lương cả năm của ông Trương, nhưng vì thương bạn khó khăn nên ông sẵn lòng cho mượn. Sau 32 năm thất lạc, người bạn vẫn không quên ân tình xưa. Ông đã báo đáp ông Trương bằng một nhà máy rượu trị giá gần 35 tỷ đồng.
Theo tờ BL Daily, vào năm 1987, ông Tôn Thắng Vinh khi đó chỉ mới 14 tuổi, hoàn cảnh khó khăn, không được đi học, ông đành phải tìm việc trang trải cuộc sống. Cơ duyên đưa đẩy ông gặp được người bạn tốt là Trương Ái Dân, một thợ cắt tóc sống cùng khu, người đã giúp đỡ ông rất nhiều trong cuộc sống.
Ông Trương nhớ lại năm đó, ông gặp một cậu bé gầy gò chỉ tầm hơn 10 tuổi xin học việc tại tiệm cắt tóc. Ông rất ấn tượng với cậu bé ấy. Vừa nghiêm túc vừa có tay nghề. Hiểu được hoàn cảnh của cậu, ông cũng bắt đầu chỉ dạy nhiều hơn. “Sau vài tháng, kỹ năng cắt tóc của cậu ta ngày càng tốt. Tuy nhiên, một ngày nọ đột nhiên cậu ấy biến mất không tung tích”, ông Trương chia sẻ.
Dò hỏi người quen xung quanh, cuối cùng ông cũng tìm ra cậu bé ấy. Gặp lại người anh tốt bụng, ông Tôn thấy rất có lỗi vì bỏ đi mà không nói lời nào. Nhưng ông Trương không chút oán trách, chỉ từ tốn hỏi vì sao lại bỏ đi như thế. Thì ra khi ấy gia đình ông Tôn quá khó khăn, ông buộc phải tìm công việc khác để tăng thu nhập.
Thương cho người anh em và nhận thấy tiềm năng ở ông Tôn, ông Trương đã ngỏ lời cho ông Tôn mượn 1.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3 triệu đồng) để ông mở tiệm cắt tóc. Hơn 3 triệu đồng lúc đó bằng tiền lương cả năm của ông Trương.
Sau này ông Tôn chia sẻ: “Tôi không nghĩ anh ấy lại đưa cho tôi cả một năm lương của mình và bảo tôi hãy cầm mà mở tiệm cắt tóc. Ơn này cả đời tôi không thể nào quên”.
Năm 1991, ông Tôn phải đi nghĩa vụ quân sự, từ đó hai anh em mất liên lạc. Hai năm sau, ông có cơ hội đến Tây Ban Nha và bắt đầu lập nghiệp ở đó. Đến năm 2008, ông đã đạt được thành công rực rỡ trong sự nghiệp với khối tài sản kếch xù, nhưng ông vẫn không quên ân nhân giúp đỡ mình năm xưa. Ông quyết định quay về quê hương tìm lại người bạn thất lạc.
Ông mất hơn 3 năm để tìm người bạn thân họ Trương, và muốn báo đáp ân nhân hai căn biệt thự, nhưng ông Trương Ái Dân đã mạnh mẽ từ chối.
Năm 2012, ông Tôn tiếp tục ngỏ ý tặng ông Trương một nhà máy rượu trị giá 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng) xem như món quà dành cho tình bạn thân thiết của hai người. Hết lần này đến lần khác, thấy tấm chân tình của ông Tôn, ông Trương đành nhận lời.
Nhưng ông nói: “Mặc dù nhà máy rượu là tôi đứng tên, tên nhà đầu tư cũng là tên tôi, nhưng nó vĩnh viễn là của Tổng Giám đốc Tôn, tôi hiện tại chỉ thay mặt (anh ấy) quản lý, sớm muộn tôi cũng sẽ trả lại nó”.
Sau khi đoàn tụ với bạn thân, ông Tôn cũng thường trở về Trung Quốc hơn, ông còn mong muốn ông Trương sẽ nuôi dạy những đứa con của mình để trở thành người ưu tú như ông ấy.
Tình bạn của 2 người sau khi được chia sẻ lên mạng đã khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Một người sẵn sàng dành hết những gì mình có để giúp đỡ người bạn trong lúc khó khăn mà không mong báo đáp. Một người dù đi tận chân trời góc bể cũng không bao giờ quên ân tình xưa, lúc giàu có vẫn nhớ về nơi mình bắt đầu.
Thật đúng như câu nói của cổ nhân: “Đắc nhân ân quả thiên niên ký, đắc nhân hoa đới vạn niên hương”, tạm dịch: “Nhận ăn quả của người ngàn năm ghi nhớ, đội mũ hoa của người vạn năm vẫn còn hương”.
Hồng Liên (t/h)