Tinh Hoa

Giếng làng – Nét giản dị trong đời sống người dân Bắc Bộ

Làng quê Bắc Bộ xưa phần nhiều là nhà gianh, do đó rất ít nhà có bể nước mưa, người làng chủ yếu dùng nước giếng công cộng để nấu ăn. Vì thế “Cây đa – Giếng nước – Sân đình” đã trở thành một nét riêng trong đời sống văn hóa.

Nước mưa là tinh khí của trời cha và được đất mẹ giữ lấy, để từ đây mọi sinh linh sinh sôi và phát triển. Giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra, và do đó nó là nơi của niềm hoan lạc kỳ thú.(Trong ảnh là giếng xóm Tâm Hương, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

“Một bờ đất đơn sơ, chiếc gàu tre nhỏ bé
Nghiêng nghiêng một cành khế
Ôi giếng nước quê hương
Ôi giếng nước thân thương”

Đặc điểm của giếng quê là luôn bình lặng, thâm tình, nơi âm thầm khơi những mạch nguồn dịu ngọt từ đời này qua đời khác, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt. (Trong ảnh, giếng xóm Thắng Lợi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Trong cái tổng thể văn hoá làng quê bình dị mà lung linh huyền ảo, cây đa có thần, mái chùa có Phật thì giếng nước là sự tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn và cho nguồn gốc của sự sống. (Trong ảnh là giếng làng Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội).
Bàn thờ gia tiên ở nhà dân hay bàn thờ thần thánh ở đền, đình đều không thể thiếu được bát nước mưa hay nước giếng. (Trong ảnh là giếng làng Nghi Vịnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa)
Trước ngày hội làng, bài vị và ngai thờ Thành hoàng đều được mục dục (lau chùi) bằng nước giếng hay nước sông. Và nếu hội có thi nấu cơm hay thi làm cỗ thì đều lấy nước từ giếng làng. (Trong ảnh là giếng chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Giếng nước xưa ở nông thôn Bắc Bộ, đặc biệt là giếng xóm, nhìn chung không sâu lắm, có nơi chỉ cần đào 5-7 thước đã gặp mạch nước ngầm. Giếng làng (giếng đình) được đào tương đối sâu. Những vùng đất đỏ, rắn, ít sạt lở, thành giếng chủ yếu dựa vào nền đất tự nhiên. (Trong ảnh giếng xóm Thắng Lợi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Quan niệm xưa nay của người Việt, trong ba ngày đầu năm mới, nhà nào cũng trữ nước đầy ắp các lu, bể. Chiều 30 Tết, giếng quê đông người lui tới, hối hả múc gánh, cười nói râm ran, rồi sau đó tĩnh lặng, bình yên. Đợi sang xuân, mùng 5 hay mùng 7 hạ nêu giếng quê mới cho khai nguồn trở lại. (Trong ảnh là giếng xóm Suối, Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo quan niệm xưa, đào giếng là một việc quan trọng trong đời sống. Lấp giếng lại càng kiêng kỵ hơn. Để tìm được mạch nước tốt (đặc biệt ở những vùng đất cao, mạch nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất), khi chọn đất đào giếng, người ta thường dùng nhiều chiếc bát sứ, lau khô, đợi khi mặt trời lặn, đặt úp bát xuống đất. Sáng sớm, bát sứ được lật lên. Chiếc bát nào phía trong đọng nhiều hơi nước thì chọn nơi đó để đào. (Trong ảnh là giếng làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Nội)
Giếng làng xây trong khuôn viên đình làng, còn giếng xóm xây ở những nơi tiện đường qua lại. (Trong hình là giếng làng Sinh Liên, huyện Quốc Oai, Hà Nội)
Giếng làng Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội.
Giếng xóm Hạ, An Vỹ, Hưng Yên.

TinhHoa tổng hợp