Thứ Bảy vừa qua, Giáo hoàng Francis đã băng qua một con hẻm hẹp tại thành phố thánh địa Najaf của Iraq để có cuộc gặp lịch sử với giáo sĩ Shiite hàng đầu của nước này. Họ đã cùng nhau đưa ra một thông điệp về sự chung sống hòa bình ngay tại đất nước vẫn đang quay cuồng với những cuộc xung đột qua lại trong suốt thập kỷ vừa qua.
Lãnh tụ dòng Shiite Ayatollah Ali al-Sistani đã chào đón Giáo hoàng Francis vào ngôi nhà kiểu spartan của ông. Vị giáo sĩ 90 tuổi là một trong những người Shiite nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Ông sau đó khẳng định rằng, những người theo đạo Thiên chúa nên được sống trong hòa bình ở Iraq và được hưởng các quyền như những người Iraq khác. Phía Tòa thánh cho biết Giáo hoàng Francis đã gửi lời cảm ơn tới al-Sistani vì đã “lên tiếng bảo vệ những người yếu thế và bị đàn áp nhiều nhất” trong một vài giai đoạn bạo lực nhất trong lịch sử Iraq gần đây.
Sau đó trong ngày, Giáo hoàng đã tham dự một cuộc họp mặt của các nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq trên vùng hoang mạc gần một biểu tượng quá khứ xa xưa, tòa tháp Ziggurat 6.000 năm tuổi tại thành Ur, nơi sinh ra Abraham, vị tổ phụ được tôn kính trong Kinh thánh của người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Cùng với nhau, các sự kiện trong ngày đã mang đến một cú hích mang tính biểu tượng và thiết thực cho thông điệp trọng tâm của chuyến thăm của Giáo hoàng, đó là kêu gọi Iraq chấp nhận sự đa dạng của họ. Trong một thánh lễ mà giáo hoàng cử hành sau đó ở Baghdad, những người theo đạo xúc động đã hát vang thánh ca, hô hào và hét lên “Viva la Papa!”, nghĩa là “Giáo hoàng muôn năm”.
Al-Sistani là một trong những giáo sĩ cấp cao nhất trong Hồi giáo Shia, được những người Shiite tại Iraq và trên toàn thế giới vô cùng tôn kính. Những can thiệp chính trị của ông, dù hiếm hoi nhưng mạnh mẽ, đã giúp hình thành nên đất nước Iraq ngày nay.
Sớm thứ Bảy, vị giáo hoàng 84 tuổi, đã ngồi trên chiếc Mercedes-Benz chống đạn, chạy dọc qua con phố Rasool hẹp với hàng cột cắm thẳng của thành phố Najaf hướng thẳng tới Thánh địa Imam Ali với mái vòm vàng, một trong những địa điểm được tôn kính nhất trong đạo Hồi Shiite.
Sau đó, ông rảo bước vài mét xuống một con hẻm, mặt đeo một chiếc khẩu trang, để đến nhà của al-Sistani. Khi bước tới ngưỡng cửa, một vài con chim bồ câu trắng được thả ra như dấu hiệu thể hiện sự hòa bình.
Một quan chức tôn giáo tại Najaf nhận định cuộc gặp gỡ diễn ra “rất tích cực”. Ông phát biểu giấu tên vì bản thân không được phép đưa tin cho giới truyền thông.
Vị quan chức cho biết, al-Sistani thường sẽ ngồi khi có khách đến thăm. Nhưng với Giáo hoàng, ông đã đứng trước cửa để chào đón vị khách này. Giáo hoàng sau đó cởi giày trước khi bước vào phòng của al-Sistani, được phục vụ trà và một bình nước nhựa.
Theo đoạn phim được phát sóng trên kênh LBC của Lebanon, tại một thời điểm trong cuộc gặp gỡ kéo dài 40 phút, giáo hoàng đã nhẹ nhàng nắm lấy hai tay của al-Sistani khi vị lãnh tụ nghiêng người phát biểu. Họ ngồi gần nhau mà không cần đeo khẩu trang. Vị quan chức cho biết, Al-Sistani đã phát biểu trong phần lớn cuộc gặp gỡ này. Al-Sistani là người hiếm khi xuất hiện trước công chúng hoặc thậm chí trên sóng truyền hình. Trong cuộc gặp, ông mặc chiếc áo choàng đen cùng chiếc khăn cuốn màu, tạo nên sự đối lập đơn giản với chiếc áo Cassock trắng thuần của Giáo hoàng Francis.
Quan chức này cho biết, đã xuất hiện một số lo ngại khi giáo hoàng đã gặp quá nhiều người vào ngày trước đó. Giáo hoàng Francis đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng al-Sistani thì chưa. Vị lãnh tụ tôn giáo thể hiện rõ sắc mặt mệt mỏi. Ông đã có tuổi và từng trải qua cuộc phẫu thuật gãy xương đùi vào năm ngoái.
Sau khi cuộc họp kết thúc, Giáo hoàng Francis sau đó đã chững lại để nhìn ông al-Sistani một lần cuối trước khi rời khỏi căn phòng.
Trong một tuyên bố do văn phòng của mình đưa ra sau đó, al-Sistani khẳng định rằng các tín đồ Cơ đốc giáo nên được “sống như mọi người dân Iraq, trong an ninh và hòa bình và với đầy đủ các quyền lợi theo hiến định”. Ông chỉ ra “vai trò mà giới chức trách tôn giáo cần làm trong việc bảo vệ họ [tín đồ Cơ đốc giáo], và những người khác cũng đã phải chịu bất công và tổn hại từ các sự kiện trong những năm vừa qua”.
Theo tuyên bố, Al-Sistani gửi lời chúc tốt đẹp tới Giáo hoàng Francis và các tín đồ của Giáo hội Công giáo, đồng thời cảm ơn vị giáo hoàng vì đã chịu khó đến Najaf thăm ngài.
Haidar Al-Ilyawi, một người dân tại Najaf, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh chuyến thăm tới Iraq của Giáo hoàng, đặc biệt là chuyến đi tới thành phố Najaf và cuộc gặp gỡ của ngài với lãnh tụ Ali al-Sistani. Đây là một chuyến thăm lịch sử và hy vọng nó sẽ mang lại tốt đẹp cho Iraq và người dân Iraq”.
Giáo hoàng Francis đã bày tỏ lòng tôn kính chung đối với tổ phụ Abraham khi phát biểu phản đối bạo lực tôn giáo tại cuộc tụ họp giữa các tín ngưỡng tại thành Ur, gần thành phố Nasiriyah nằm ở phía nam Iraq.
“Từ nơi này, nơi đức tin được sinh ra, từ quê hương của tổ phụ chúng ta là Abraham, hãy khẳng định rằng Chúa là đấng nhân từ, và tội phạm thượng nhất là xúc phạm thanh danh của Ngài, thông qua việc căm ghét anh chị em của chúng ta. Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không không phải cốt lõi của tôn giáo: chúng là tội đồ của tôn giáo”.
Tòa thánh cho biết những người Do Thái Iraq đã được mời đến sự kiện này nhưng không tham dự, sau đó không cung cấp thêm thông tin. Tờ JeruSalem dẫn nguồn tin ẩn danh, cho hay chính phủ Iraq đã ngăn cản nỗ lực của bất kỳ người Do Thái nào muốn tham gia.
Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis là chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Iraq đang gia tăng. Thánh lễ được cử hành tại một Nhà thờ Công giáo Chaldean chật chội, ngột ngạt vào cuối ngày thứ Bảy ở thủ đô Baghdad. Tại đây đã diễn ra các bài đọc Kinh thánh đồng thanh và một dàn hợp xướng không đeo khẩu trang hát thánh ca.
Giáo hoàng Francis đã phát biểu với các tín hữu, có đeo khẩu trang, rằng: “Tình yêu là sức mạnh của chúng ta, là nguồn sức mạnh cho những người anh chị em, những người đang ở tại đây cũng đã phải chịu đựng thành kiến, bị xúc phạm phẩm giá, ngược đãi và bức hại vì đức tin vào Chúa Jesus”.
Từ Thức (t/h)