Trong khi các ngân hàng Nga đang phải đóng cửa nhiều chi nhánh thì giao dịch ngoại tệ nước này lại bùng nổ do nhu cầu nắm giữ ngoại tệ mạnh của người dân gia tăng.
Nga đang trải qua quá trình bùng nổ tăng trưởng trên thị trường ngoại hối trong khi hầu hết các ngân hàng nước này phải đóng cửa nhiều chi nhánh bởi lệnh thu hồi giấy phép kinh doanh của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Trong thời gian 9 tháng đầu năm, tổng lượng tiền mặt giao dịch tại quầy ở Nga tăng vọt thêm 12% bởi tác động từ cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng.
Sau gần 4 năm tăng trưởng ổn định, các ngân hàng Nga đã giảm số lượng chi nhánh phục vụ khách hàng kể từ đầu năm 2014. Theo dữ liệu của CBR, các ngân hàng đã cắt giảm từ 43.200 xuống còn 42.400 chi nhánh trong 9 tháng đầu năm nay. Những biện pháp này được tiến hành do tình hình suy thoái kinh tế gây ra bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Sự mất giá đáng kể của đồng Rúp (giảm 45% chỉ trong năm nay) đã khiến cầu ngoại tệ mạnh của người dân gia tăng, từ đó dẫn đến việc các ngân hàng Nga phải tái cơ cấu và áp dụng những chiến lược khác nhau. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, người dân Nga đã mua 45 tỷ USD, một mức kỷ lục tăng 50% so với sức mua hàng năm; cụ thể, cầu ngoại tệ của người dân chỉ có 13 tỷ USD trong suốt 8 tháng đầu năm 2013.
Những giải pháp chiến lược của CBR trong lĩnh vực ngân hàng, vẫn không thay đổi kể từ khi xảy ra khủng hoảng vi mô năm 2013, cũng góp phần làm gia tăng khối lượng giao dịch ngoại hối và làm suy giảm số lượng chi nhánh ngân hàng.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Sputnik News