Một trong những đề xuất của Nhóm đối thoại giáo dục (Vietnam Education Dialogue, VED) của Giáo sư Ngô Bảo Châu và các cộng sự về cải cách ĐH ở VN là giao ĐH về địa phương. Điều này không hề dễ dàng, cần có một lộ trình thay đổi nhiều yếu tố liên quan.
Tinh thần xuyên suốt là tự chủ ĐH Các nội dung được phân tích và khuyến nghị của VED tập trung vào 5 lĩnh vực chính: cải cách mô hình quản trị ĐH; cải cách tài chính ĐH; đảm bảo chất lượng; nghiên cứu khoa học và giảng dạy; dân chủ nội bộ và tự do học thuật trong giáo dục ĐH. Để tránh hiểu lầm, VED chưa bao giờ coi các phát hiện, đề xuất của mình là đầu tiên, từ trước chưa được ai đề cập đến. Đóng góp quan trọng của VED là hệ thống hóa nhiều nội dung cải cách giáo dục ĐH mang tính tổng thể và củng cố bằng các cơ sở lý thuyết, thực tiễn nặng ký. Báo cáo của VED cũng giúp chúng ta hiểu hơn tại sao cải cách giáo dục nói chung, và ĐH nói riêng, là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, bền bỉ, phải đối mặt với sự bất đồng, thậm chí với cả sự chống đối. Nói như ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh, tại một diễn đàn cải cách gần đây ở VN: cải cách mà không gặp sự chống đối thì chưa phải là cải cách thực sự! Các nội dung về cải cách tài chính ĐH mà VED phân tích và đề xuất là vô cùng quan trọng đối với cải cách giáo dục ĐH. Tinh thần xuyên suốt của cả 5 lĩnh vực VED nêu là tự chủ ĐH. Nhưng thật khó có tự chủ ĐH khi trường không có giải pháp tự chủ thực sự về . VED phân tích nhiều bất cập của chính sách học phí thấp và thẳng thắn đề xuất việc tăng học phí ĐH. Đồng thời, VED nhấn mạnh tính phi lợi nhuận của ĐH công khi chuyển sang tự chủ tài chính. Sự rõ ràng, minh bạch về tính phi lợi nhuận của ĐH công sẽ tạo cho các trường có uy tín cơ hội tiếp nhận các khoản tài trợ giáo dục từ các tổ chức, cá nhân để phát triển cơ sở vật chất, cũng như để tạo lập các quỹ, các chương trình học bổng cho sinh viên giỏi, nghèo. Không tách bạch giữa thuế trung ương và địa phương Về đề xuất của VED giao ĐH về cho các địa phương, mục đích quan trọng của VED là nhằm tạo ra một môi trường giáo dục cạnh tranh. Muốn có chất lượng giáo dục tốt, cần phải có cạnh tranh thực sự giữa các trường ĐH trong việc thu hút giảng viên giỏi, phát triển cơ sở vật chất nhà trường, thư viện, phòng thí nghiệm và các điều kiện khác. Tuy nhiên, VED hiểu rằng việc này không hề dễ dàng, cần có một lộ trình thay đổi nhiều yếu tố liên quan. Khó khăn lớn nhất cho đề xuất này của VED là cơ chế hình thành ngân sách trung ương và địa phương ở nước ta và ở các nước mà VED tham chiếu rất khác nhau. Ở nhiều nước, có sự tách bạch giữa thuế trung ương và thuế địa phương (tỉnh, thành phố). Ngân sách của chính quyền trung ương được hình thành từ thuế trung ương, ngân sách của chính quyền địa phương dựa trên thuế địa phương, ít khi có sự phân bổ ngân sách từ trung ương xuống địa phương (vì thế nên mới có tình huống chính quyền địa phương bị phá sản). Ở nước ta, không có sự tách bạch về thuế và ngân sách như vậy. Tất cả các khoản thuế được thu về ngân sách trung ương và phân bổ về các địa phương theo các tỷ lệ khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Việc phân bổ ngân sách từ trung ương xuống địa phương chủ yếu được thực hiện thông qua các ngành, trong đó có ngành giáo dục cho các khoản đầu tư và chi tiêu giáo dục. Với chính sách thuế và phân bổ ngân sách như hiện nay, rất khó hình dung làm thế nào để nhà nước phân bổ ngân sách cho trường ĐH mà địa phương là chủ, là người quản lý cao nhất.
Lương Hoài Nam |
Theo Thanh Niên