Sau khi trực tiếp bàn bạc can thiệp, nâng điểm 309 bài thi cho 107 thí sinh ở Hà Giang tốt nghiệp THPT, bị cáo Vũ Trọng Lương một mực khai rằng bản thân làm vì quan hệ tình cảm chứ không có bất cứ thỏa thuận hay yêu cầu gì.
Sáng 14/10, Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang) là bị cáo đầu tiên bước lên bục khai báo để trả lời thẩm vấn HĐXX trong phiên xử vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
Khai trước tòa, Lương nói bản thân hoàn toàn tự nguyện nâng điểm thi cho các thí sinh, không nhận tiền hoặc lợi ích vật chất nào.
Nâng điểm vì quen biết, không nhận bất cứ vật chất nào
Theo bị cáo Vũ Trọng Lương thì vào đầu tháng 5/2018, ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí) đã gọi Lương sang phòng làm việc để báo rằng trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt. Biết phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu file Excel nên Lương lập tức đồng ý.
Theo đó, bị cáo Lương đã 3 lần nhận của cấp trên danh sách tổng số 93 thí sinh. Trong mỗi danh sách, ông Hoài đã tự ghi sẵn họ tên, số CMND, hộ khẩu, bản đăng ký dự thi và điểm thi của các thí sinh.
Trong danh sách ‘người nhờ’ được ông Hoài liệt kê theo nhóm, đông nhất là nhóm cán bộ công tác tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, nhóm cán bộ sở đã nghỉ hưu, nhóm giáo viên trên địa bàn TP, công an tỉnh… Ngoài ra có cả các cán bộ công tác trong ngành kiểm sát, bảo hiểm xã hội…
“Khi chuyển danh sách cho Lương, có trường hợp tôi ghi rõ là 24, 25, 26, 27 điểm, có trường hợp tôi chỉ ghi “TN” bên cạnh, có nghĩa là tốt nghiệp, tùy theo yêu cầu của người nhờ” – ông Hoài khai và khẳng định: “Những trường hợp nhờ là quan hệ tình cảm, không hứa hẹn đưa tiền hay lợi ích vật chất gì khác”.
Ông Hoài cũng khai ông không đưa cho Lương bất cứ thứ gì, cũng không hứa hẹn gì. Trả lời chủ tọa, cựu Phó phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương cũng quả quyết bị cáo Hoài không thỏa thuận hay hứa hẹn gì về lợi ích vật chất. Và Lương cũng không yêu cầu hay đưa ra điều kiện gì trước khi nâng điểm.
“Bị cáo không yêu cầu anh Hoài phải đưa cho bị cáo cái gì. Anh Hoài cũng không hứa hẹn cho bị cáo lợi ích gì. Anh Hoài là thủ trưởng trực tiếp, bị cáo là cấp dưới, anh Hoài bảo bị cáo làm thì bị cáo đồng ý làm theo. Bị cáo tự nguyện, không có thỏa thuận hay yêu cầu gì với anh Hoài”, bị cáo Lương nhấn mạnh.
Cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục cũng thừa nhận ngoài danh sách 93 người Hoài chuyển, Lương còn nâng điểm cho 14 thí sinh do người thân, bạn bè trực tiếp nhờ bị cáo này.
“Họ nhờ bị cáo nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận gì, cũng không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác”, bị cáo Lương khai.
Sau hơn một giờ xét hỏi, Vũ Trọng Lương thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm pháp luật. “Bị cáo cảm thấy ân hận, ăn năn hối cải về những gì mình đã làm”, Lương đứng trước bục gỗ cúi gằm mặt và nói.
Phá vỡ quy trình và chỉ 2 giây là sửa xong một bài
Cũng liên quan đến vụ án trên, theo mô tả của hai bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, quá trình lưu giữ và chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy trình của Bộ GD&ĐT. Quy trình này rất chặt chẽ, có sự giám sát của cán bộ công an tỉnh, Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Theo quy chế thì trưởng ban thư ký giữ chìa khóa. Nhưng giám đốc sở yêu cầu làm hai ổ khóa, một ổ khóa do trưởng ban thư ký (bị cáo Hoài) giữ chìa, một ổ khóa do trưởng ban chấm thi (bị cáo Triệu Thị Chính) giữ chìa. Khi có mặt cả hai người này, cửa phòng thi trắc nghiệm mới được mở.
Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Lương khai đã được bị cáo Hoài đưa “cả một túi chìa khóa” và bị cáo này đã mở cửa phòng thi, rồi thuê xe tải chở bốn hòm đựng bài thi và các loại thiết bị máy tính, máy scan… về phòng làm việc để sửa chữa bài thi cho khớp với kết quả gửi về Bộ GD&ĐT.
Việc sửa dữ liệu 309 bài thi của 107 thí sinh trên máy tính gửi về Bộ chỉ diễn ra trong 2 ngày vì để sửa một bài thi bị cáo chỉ cần 2 giây. Đối với những bài phải sửa trực tiếp trên giấy thì mất nhiều thời gian hơn tầm 6 giây.
Cơ quan điều tra đề xuất xử lý 210 phụ huynh có con được nâng điểm
Trong vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang năm 2018 này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm.
Trong đó có 151 trường hợp phụ huynh của những học sinh trên là cán bộ, đảng viên đã được chính quyền Hà Giang công bố tên tuổi như ông Triệu Tài Vinh (cựu bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) nâng điểm cho con gái là Triệu Ngọc Mai, ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) nhờ nâng điểm cho con trai mình…
Căn cứ lời khai của những người liên quan, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định. Ngoài ra, vụ án còn một số người liên quan. Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xử lý.
Được biết, tại phiên tòa xét xử vụ án lần này, HĐXX đã triệu tập 178 người làm chứng, một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng có tới 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 19 trường hợp vắng mặt không lý do.
Danh sách những người thân, bạn bè trực tiếp nhờ bị cáo Lương nâng điểm cho 14 thí sinh:
- Chị Hoàng Thị Hồng Nhẫn, công an tỉnh, nhờ cho một thí sinh (theo bị cáo biết là con chị Nhẫn).
- Anh Bùi Văn Thuyết, Công ty In Hà Giang, nhờ cho một thí sinh là cháu của Thuyết.
- Nguyễn Mạnh Tuấn, Trường THPT chuyên Vị Xuyên, nhờ cho một thí sinh.
- Nguyễn Thanh Cảnh, Trường THCS và THPT Ninh Hồ, Hiệu phó, nhờ cho một thí sinh.
- Trần Bách Tùng, Trường THPT Mèo Vạc, nhờ cho hai thí sinh.
- Trần Duy Ninh, Trường THPT Việt Lâm, nhờ nâng điểm năm thí sinh.
- Tống Thị Phương, cán bộ BV đa khoa Hà Giang đã nghỉ hưu, nhờ nâng điểm cho một trường hợp.
- Tổng Văn Lợi, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh, nhờ nâng điểm cho một trường hợp là con một người quen. Bị cáo tự giúp đỡ nâng điểm cho con ông Lợi, dù ông Lợi không nhờ.
Vũ Tuấn (t/h)