Ngồi làm việc, ngồi trên xe hay ngồi xem ti vi là những hoạt động quá bình thường khiến ít ai ngờ đến những tác hại nghiêm trọng của nó. Đi bộ là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa mối nguy về sức khỏe tiềm ẩn này.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, thời gian ngồi càng lâu, cuộc sống của chúng ta càng ngắn đi và sức khỏe kém dần. Hơn 10.000 nghiên cứu cho thấy, ngồi quá lâu tại nơi làm việc, trên xe và xem truyền hình vào buổi tối, có tác động đáng kể đến tim mạch cũng như chức năng trao đổi chất của cơ thể.
Một thống kê năm 2012 chỉ ra rằng những người ngồi nhiều hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim gấp 2 lần so với người ngồi ít. Kết quả một nghiên cứu gần đây cũng cho biết phụ nữ ngồi hơn bảy giờ mỗi ngày có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao hơn 47% so với người ngồi trong bốn giờ hoặc ít hơn. Và những phụ nữ ít vận động cơ thể có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 99% so với người tập thể dục.
Đi bộ giúp hạn chế tác hại do ngồi nhiều
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm nay cho thấy sáu giờ ngồi liên tục đã phá hủy các lợi ích sức khỏe của cả một giờ tập thể dục. Ngồi liên tục thời gian dài thực sự có tác động tiêu cực đến sức khỏe và tuổi thọ, vì vậy đơn giản là hạn chế ngồi càng nhiều càng tốt.
Có nhiều giải pháp khá đơn giản để nói không với ngồi hàng giờ. Chúng ta có thể đứng tại bàn và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng phù hợp với môi trường văn phòng hay là đi bộ một chút cũng rất tốt. Một trong những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, năm phút đi lại sau mỗi giờ ngồi trên ghế có thể làm giảm nguy cơ tim mạch.
11 người đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi 20 – 35 tham gia vào 2 hai thử nghiệm ngẫu nhiên. Trong thử nghiệm đầu tiên, họ ngồi trong ba giờ và không cử động đôi chân. Lần thứ hai, họ ngồi trong ba giờ và sau mỗi giờ lại đi trên máy chạy bộ năm phút, với tốc độ thấp là hai dặm một giờ.
Kết quả của thí nghiệm dựa trên đánh giá sự giãn nở hoặc mở rộng động mạch để gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể. Những người ngồi yên trong 3 giờ làm cho sự giãn nở động mạch chính ở chân suy giảm 50%, trong khi những người kết hợp việc đi bộ không bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ James Levine chuyên về Giải pháp Béo phì tại Trung tâm Mayo ở Phoenix và Đại học bang Arizona, khuyên nên có ít nhất 10 phút di chuyển cho mỗi giờ chúng ta ngồi trên ghế.
Đi bộ là lựa chọn phổ biến cho cả người có bệnh mãn tính và người cao tuổi
Các bài tập cường độ cao thường được tin là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh, trong khi ít ai ngờ đến tầm quan trọng của việc kết hợp đi bộ trong cuộc sống hàng ngày. Điều này có thể đặc biệt đúng đối với người cao tuổi, hay bệnh nhân của căn bệnh mãn tính nên không thể tham gia vào động tác thể dục nặng.
Có thể thấy điều này qua một nghiên cứu kéo dài 2 năm được công bố trên tạp chí Respirology, đi bộ hai dặm một ngày hoặc nhiều hơn giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện vì tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Kết quả của nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Stroke số ra tháng 11/2013 cũng cho biết đi bộ hàng ngày làm giảm nguy cơ đột quỵ ở nam giới trên 60 tuổi.
Tập luyện đơn giản và nhanh chóng tại nơi làm việc
Trong bài phỏng vấn Tiến sĩ James Levine, người đứng đầu khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Mayo, ông đã thuyết phục người nghe về tầm quan trọng của việc đi bộ khoảng 10 phút sau mỗi giờ ngồi trên ghế.
Bàn làm việc đứng cũng rất hữu ích. Tiến sĩ Joan Vernikos, cựu giám đốc Phòng Khoa học Cuộc sống của NASA, cho biết chuyển động cơ thể như đứng lên hoặc cúi xuống làm tăng lực hấp dẫn lên cơ thể, và điều này là chìa khóa để chống lại sự thoái hóa tế bào xảy ra trong khi chúng ta ngồi xuống.
Khi tập trung làm việc, chúng ta dễ quên thời điểm cần ra khỏi ghế để thư giãn.Tính năng báo thức trên điện thoại di động sẽ là một giải pháp đơn giản mà tiện lợi.
An Nhiên@tinhhoa.net
Theo The Epoch times