Giải ngố bộ bàn phím “cánh bướm” tai tiếng nhất lịch sử Apple
Mặc dù đây là một thiết kế tuyệt vời để giảm độ dày phím bấm, nhưng rõ ràng bàn phím cánh bướm của Apple không thuộc về thế giới đầy bụi bặm này.
Nếu có điều gì đáng phàn nàn nhất đối với Apple trong những năm gần đây, đó chính là chuỗi ngày ác mộng đối với thiết kế bàn phím mới của MacBook. Trong khi những chiếc laptop của Apple được xem như đỉnh điểm của thiết kế, nó lại làm mọi người khó chịu vì một trong những khả năng cơ bản nhất của laptop: gõ phím.
Và nguyên nhân chính ở đây là gì: những chiếc phím với thiết kế cánh bướm – và có lẽ cả vì môi trường xung quanh chúng ta nữa.
Và cuối cùng, chuỗi ngày ác mộng đó có lẽ sắp đi đến hồi kết khi đang có tin đồn cho biết, Apple chuẩn bị loại bỏ thiết kế bàn phím này và quay trở lại thiết kế phím ban đầu. Nhưng tại sao lại như vậy? Thiết kế bàn phím cánh bướm thực sự là gì và tại sao nó lại là nguyên nhân cho những vấn đề này?
Đầu tiên, bàn phím thông thường hoạt động như thế nào?
Trước khi đi vào giải thích những vấn đề đối với bàn phím cánh bướm, đầu tiên chúng ta cần nhìn vào cơ chế hoạt động của bàn phím thông thường là như thế nào.
Các bàn phím thường có hàng loạt biến thể khác nhau nhưng một trong những thiết kế chung nhất cho các laptop là thiết kế dạng cắt kéo – đây cũng có thể là thiết kế sắp tới cho bàn phím laptop sắp tới của Apple.
Về cơ bản, nó sẽ hoạt động theo cách dưới đây:
Do thiết kế cắt chéo nhau này, bàn phím dạng cắt kéo không cần có hành trình xuống dưới quá dài như bàn phím cho các máy tính desktop. Điều này biến nó thành thiết kế lý tưởng cho laptop – nhưng như bạn thấy trong hình ảnh phía trên – vẫn còn rất nhiều không gian trống bên dưới mỗi phím bấm này.
Điều này đưa Apple tới việc tạo ra bàn phím cánh bướm, khi công ty muốn tạo ra một bàn phím ngày càng mỏng hơn và bóng bẩy hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Vấn đề của bàn phím cánh bướm
Dưới đây là hình ảnh của bàn phím cánh bướm của Apple được giới thiệu nhiều năm trước. Dù đã trải qua một số chỉnh sửa nhưng về cơ cấu hoạt động của nó vẫn giống như thiết kế ban đầu.
Về cơ bản, nó được gọi là bàn phím cánh bướm vì thiết kế và cách hoạt động của nó cũng giống như cánh bướm. Trong khi các phím bấm dạng cắt kéo sẽ có hai thanh đỡ cắt chéo nhau, bàn phím cánh bướm lại dùng đến một khớp nối nhỏ ở chính giữa. Nói cách khác, trong khi phím bấm dạng cắt kéo có hình chữ X, bàn phím cánh bướm lại gần hơn với một chữ V được mở rộng.
Nhìn dưới góc độ thiết kế, đây là một sáng tạo thiên tài. Nó là một cơ cấu hoạt động mỏng hơn và thành thật mà nói, gõ phím trên nó có thể là một thú vui thật sự.
Điều đáng tiếc là dường như nó không thuộc về thế giới của chúng ta. Bởi vì thiết kế hình chữ V mở rộng của bàn phím cánh bướm, thức ăn, bụi bẩn và vụn rác rất dễ lọt xuống bên dưới phím bấm và gây kẹt phím – một điều khó có thể xảy ra hơn đối với phím bấm hình chữ X của switch dạng cắt kéo.
Khoảng không dưới phím bấm và cơ cấu chuyển động của phím bấm chính là điều tạo ra sự khác biệt này. Với phím bấm dạng cắt kéo, không gian trống bao quanh phím bấm cao su rất hẹp và hai thanh đỡ luôn chuyển động cắt chéo nhau khiến khả năng bụi bẩn lọt vào bên dưới rất thấp.
Trong khi đó, dù không gian trống bên dưới phím bấm cánh bướm mỏng hơn, nhưng nó lại rộng hơn đáng kể so với phím bấm dạng cắt kéo. Hơn nữa, cơ cấu chuyển động dạng cánh bướm gần như có tác dụng hút các hạt bụi nhỏ vào, khiến khả năng bụi bẩn và vụn thức ăn lọt xuống dưới phím bấm sẽ tăng cao hơn. Và với độ mỏng đáng kể của bàn phím cánh bướm, một vài hạt bụi nhỏ bám bên trong cũng có khả năng làm kẹt phím bấm đó.
Tổng kết
Với sự ám ảnh về độ mỏng của mình, Apple đã tạo nên một bàn phím laptop mới – nó mỏng hơn, bóng bẩy hơn và cảm giác gõ thú vị hơn. Nhưng thật không may, nó chỉ hoạt động ổn định trong môi trường gần như vô trùng. Điều đó làm mất đi một trong những khía cạnh quan trọng nhất của bất kỳ chiếc máy tính nào – một công cụ làm việc tiện dụng ở mọi nơi.
Dù sao đi nữa, hy vọng cơn ác mộng này sớm chấm dứt với tin đồn về việc Apple sắp chuyển sang thiết kế bàn phím mới.
Theo Trí Thức Trẻ