Ngoại hình của người Xavante hoàn toàn khác biệt so với chuẩn mực của các bộ lạc da đỏ Nam Mỹ. Vì sao lại như vậy?
/
Trước đây, khoa học thường cho rằng sự tiến hóa chỉ chịu tác động của các yếu tố môi trường (thí dụ như khí hậu) hoặc địa lý (thí dụ như sông, núi). Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất tại Nam Mỹ, yếu tố văn hóa, chẳng hạn như truyền thống, hành vi truyền từ đời này qua đời khác – cũng có thể dẫn tới những sự thay đổi về mặt nhân chủng học. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích đặc điểm di truyền, vật lý, địa lý và khí hậu của 1203 thành viên đến từ 6 bộ lạc thiểu số đang sinh sống ở cao nguyên và lưu vực Amazon Brazil. Nghiên cứu của họ nhận thấy bộ tộc Xavánte, có sự khác biệt đáng kể về mặt hình thái học so với năm bộ tộc còn lại. Cụ thể ở đây là đầu lớn hơn, mặt dài và hẹp chiều ngang, mũi to. Những đặc điểm này xuất hiện từ khoảng 1500 năm trước, sau khi người Xavánte chia tách khỏi một bộ tộc an hem là Kayapo. “Tốc độ tiến hóa này nhanh gấp 3,8 lần so với các bộ lạc khác”, các nhà khoa học cho biết. Thú vị hơn, những sự thay đổi này dường như diễn ra độc lập với tác động của khí hậu hay địa hình. Thay vào đó, văn hóa mới chính là tác nhân chịu trách nhiệm. Ở ngôi làng của người Xavante tại São Domingo, một phần tư dân số là con cháu của vị tộc trưởng duy nhất Apoena, bởi ông này có tới 5 bà vợ. Truyền thống tình dục của bộ lạc cho phép những người đàn ông thành đạt được làm bố “hết khả năng”. Điều đó có nghĩa là những đặc điểm di truyền của họ sẽ nhanh chóng thống trị dân số.
“Chúng tôi đã tiếp xúc với người Xavante gần nửa thế kỷ. Ngay từ đầu, hình thể của họ đã có nhiều điểm khác biệt so với mô hình người da đỏ chuẩn mực”, Nhà di truyền học Francisco Salzano của Đại học Rio Grand do Sul chia sẻ trên LiveScience. Ông Salzano tin rằng lắp ghép cơ sở dữ liệu về văn hóa với sinh học sẽ giúp khai quật các thí dụ khác về sự ảnh hưởng của văn hóa đến sự tiến hóa của loài người. Kết quả chi tiết của cuộc nghiên cứu sẽ được trình bày vào cuối tháng 12 trên website của Viện Hàn lâm Khoa học Brazil. Y Lam |
Theo VietnamNet