Sau khi giảm được 1 ngày, giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) hôm qua lại tăng 40 đồng/USD so với ngày 17.3, trong đó giá bán USD tăng nhanh hơn giá mua.
Các NHTM liên tục điều chỉnh giá. Giá mua USD tiền mặt – mua USD chuyển khoản và giá bán USD tại Eximbank lên 21.460 – 21.480 – 21.540 đồng/USD; Vietcombank lên 21.460 – 21.460 – 21.520 đồng/USD; ACB lên 21.450 – 21.470 – 21.540 đồng/USD… Giá USD thị trường tự do tăng lên 21.810 – 21.820 đồng/USD. Giá các loại ngoại tệ khác cũng tăng giảm trái chiều. Chẳng hạn, đồng franc Thụy Sĩ tăng 60 đồng/franc, lên 21.239 – 21.303 – 21.501 đồng/franc; đô la Úc tăng 90 đồng/đô la, lên 16.223 – 16.272 – 16.423 đồng/đô la; đồng EUR tăng 80 đồng/EUR, lên 22.626 – 22.694 – 22.905 đồng/EUR; đô la New Zealand giảm 90 đồng/đô la, còn 15.504 – 15.582-15.732 đồng/đô la… Chỉ số USD – Index chiều 18.3 giảm 0,05 điểm, còn 99,56 điểm. Đại diện Eximbank cho biết, cung – cầu ngoại tệ trên thị trường ngày 18.3 không có gì căng thẳng, tuy nhiên thông tin nhập siêu 1,2 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm đã tác động phần nào lên tâm lý thị trường.
Tỷ giá bình quân liên NH ngày 18.3 là 21.458 đồng/USD, biên độ dao động +-1% (giá sàn hơn 21.243 đồng/USD và trần là 21.672 đồng/USD).
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, sức ép đối với tỷ giá ở thời điểm này là có thật. Về nguyên nhân USD “nhảy múa”, theo ông Nghĩa chủ yếu do bản thân USD tăng giá so với một số đồng tiền khác, đặc biệt so với EUR. Bên cạnh đó, kinh tế nội địa phục hồi, xuất khẩu của DN nội địa tăng nên phải nhập nguyên liệu khiến nhập siêu 2 tháng đầu năm hơn 1,2 tỉ USD. “Các yếu tố đó hội tụ cùng thời điểm gây sức ép nhất định lên tỷ giá”, ông Nghĩa nói.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối NH HSBC VN, cho rằng xu hướng USD tăng giá so với các đồng tiền khác đã được nhiều chuyên gia dự đoán khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc và có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, dẫn đến những dự đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất trong năm nay hoặc đầu năm sau. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang theo đuổi chương trình nới lỏng định lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dẫn đến việc các đồng tiền như EUR hay JPY giảm tương đối so với đồng USD. USD có khả năng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới khi Fed có thể tăng lãi suất USD. Khi đó USD/VND sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng lên do lãi suất USD tăng, đồng thời các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới giảm giá so với USD. Các DN VN cần phải chú ý theo dõi những diễn biến trên thị trường thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ, để có thể dự đoán những biến động của tỷ giá trên thế giới và có các biện pháp phòng ngừa rủi ro hợp lý.
Thanh Xuân – Anh Vũ |
Theo Thanh Niên