Sáng nay ngày 6/5, tòa đàm tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông tổ chức, Cục chăn nuôi đã lên tiếng lý giải vì sao giá lợn thịt liên tục tăng cao trong thời gian qua dù đã có nhiều biện pháp bình ổn giá.
Trước đó ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng đã đưa ra chỉ đạo kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống dưới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên thực tế cho thấy, giá thịt lợn trên thị trường đã không đạt được chỉ tiêu đề ra này.
Hôm nay, giá lợn hơi tăng vọt trên cả hai miền Nam Bắc và giữ nguyên ở miền Trung, Tây Nguyên, tuy nhiên đều ở mức trên dưới 90.000 đồng/kg.
Trước đó, các biện pháp bình ổn giá do chính phủ đưa ra như yêu cầu 15 doanh nghiệp hạ giá hay tăng nhập khẩu lợn từ nước ngoài đều cho thấy chỉ có thể làm chững, hoặc giảm giá lợn trong một khoảng thời gian.
Trong hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra nguyên nhân thứ nhất là do dịch bệnh tả lợn, dẫn đến nguồn cung lợn giảm mạnh. Đầu tháng tư năm nay, một vài địa phương đã xuất hiện lợn nhiễm bệnh làm các cơ sở chăn nuôi lợn dấy lên lo sợ, ngại tái đàn.
Thứ hai, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn giữ 35% đàn lợn thương phẩm cam kết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg, nhưng lại hạn chế xuất lợn thịt, gây thiếu nguồn cung.
Một nguyên nhân khách quan khác Cục chăn nuôi đưa ra là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 – 5 khâu trung gian, làm giá tăng (gần 43%).
Cuối cùng, nguyên nhân thứ tư là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… cũng làm giá lợn hơi tăng.
Theo đó, Bộ nông nghiệp khuyến khích người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý hơn.
Từ Thức (t/h)