Giá dầu thô Brent trong phiên sáng 21/12 tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Giá dầu giảm khi thị trường lại dấy lên tâm lý lo ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu. Sản lượng dầu mỏ trên toàn thế giới đang ở mức cao, giữa lúc sắp có thêm nguồn cung mới từ Iran và Mỹ.
Giá dầu Brent giảm xuống 36,32 USD/thùng vào lúc 7 giờ sáng (giờ Việt Nam), mức thấp nhất kể từ năm 2008, trước khi bật lên mức 36,49 USD/thùng vào lúc 9 giờ.
Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 20 xu Mỹ xuống 34,53 USD/thùng và áp sát mức đáy tính từ đầu năm tới nay. Cả hai loại dầu đã giảm giá hơn 2/3 kể từ giữa năm 2014.
Giới phân tích cho rằng đồng USD mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần trước, cũng như sự gia tăng trở lại số giàn khoan dầu tại Mỹ đã gây sức ép lên giá dầu.
Theo Goldman Sachs, số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần trước tăng 17, lên 541, kết thúc bốn tuần giảm liên tiếp.
Ngân hàng ANZ cho rằng sự gia tăng số giàn khoan giữa lúc giá dầu thấp đã cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ quyết tâm duy trì sản lượng, trong khi dự trữ dầu thô của nước này đã tăng lên 491 triệu thùng, mức cao nhất trong thời điểm này của năm kể từ năm 1930.
Nguồn dầu của Mỹ làm gia tăng thêm tình trạng dư cung trên toàn cầu khi các nhà sản xuất lớn, trong đó có Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sản xuất vượt hàng trăm nghìn thùng so với nhu cầu mỗi ngày.
Sản lượng của Nga đã vượt 10 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ, trong khi sản lượng của OPEC cũng được giữ ở gần mức kỷ lục là trên 31,5 triệu thùng/ngày.
Góp thêm vào tình trạng dư thừa hiện nay là nguồn dầu mới có thể sẽ sớm được đưa vào thị trường, với Iran đang hy vọng tăng xuất khẩu vào đầu năm 2016 một khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ.
Giá dầu thô Brent trong phiên sáng 21/12 tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, giá dầu thấp đã khiến khu vực Vùng Vịnh – một trong những thị trường vũ khí lớn nhất thế giới, phải cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách quốc phòng trong năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016.
Báo cáo vừa công bố của Công ty tình báo toàn cầu IHS có trụ sở tại London (Anh) cho thấy dù các nước khu vực vùng Vịnh can thiệp quân sự tại Yemen, tiến hành chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, song tổng chi tiêu ngân sách quốc phòng của khu vực này đã giảm từ 86,7 tỷ USD năm 2014 xuống còn 81,6 tỷ USD năm nay.
Đây là năm đầu tiên trong một thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng của các nước Vùng Vịnh giảm. Sự sụt giảm đáng kể nguồn chi ngân sách quốc phòng được ghi nhận tại Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống thất (UAE), riêng Oman tăng nhẹ.
Theo IHS, các quốc gia vùng Vịnh phải cắt giảm ngân sách quốc phòng năm nay nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh giá dầu liên tiếp đi xuống khiến nguồn thu ngân sách ngày càng trở nên eo hẹp.
Giá dầu đã giảm mạnh từ mức kỷ lục 115 USD/thùng hồi giữa năm 2014, xuống quanh ngưỡng 37 USD/thùng hiện nay.
Ngân sách hạn hẹp đồng nghĩa với việc các nước Vùng Vịnh đang giảm đầu tư vào những vũ khí đắt tiền như máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa để tập trung vào những nhu cầu trước mắt như đạn dược.
Thực tế, dù chi tiêu quốc phòng của các nước Vùng Vịnh suy giảm trong năm nay song ngân sách dành cho mua sắm vũ khí vẫn cao hơn đáng kể so với 4 năm trước.
Dự báo, ngân sách quốc phòng của các nước Vùng Vịnh vẫn có thể đạt mức 170 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Saudi Arabia vẫn có mức chi quốc phòng lớn nhất trong khu vực, với khoảng 46,3 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tại Vùng Vịnh và đứng thứ 8 trên thế giới.
Theo Kenh13