Trước phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch là thất bại, Tổ chức xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản đã phản bác và khẳng định phát ngôn trên là ‘vô căn cứ’…
Chiều 1/12, Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản đã gửi tới báo chí bản thông cáo do TS. Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức này ký, đóng dấu để phản hồi về nội dung phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục.
Phát ngôn vô trách nhiệm, vô căn cứ, trái với kết luận của UBND…?
Nội dung thông cáo khẳng định, việc ông Lê Văn Dục phát biểu rằng kết quả thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor tại sông Tô Lịch thất bại là “vô căn cứ, trái với kết luận của UBND TP. Hà Nội và không đúng chuyên môn về môi trường…”
Bởi trong buổi họp đánh giá về kết quả dự án này do Chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì ngày 29/10/2019, Giám đốc Sở Xây dựng cũng không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại.
Đặc biệt, trong văn bản thông báo số 1338/TB-UBND ngày 5/11/2019 về “Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” cũng đều không hề có nội dung nào đánh giá về kết quả dự án này là thất bại.
Mặt khác, UBND TP. Hà Nội còn đang giao cho Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản tiếp tục triển khai làm mở rộng thêm 1 ao tù để tiếp tục đánh giá.
Tất cả các mục tiêu đều đạt chuẩn
Cũng theo nội dung bản thông cáo trên, mỗi dự án khi triển khai đều có mục tiêu cần đạt được. Trong đợt thí điểm chứng minh công nghệ xử lý của Nhật Bản lần này, kết quả cho thấy 6/6 mục tiêu đều đạt và đơn vị đã gửi báo cáo lên UBND TP. Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan để kiểm chứng.
Theo kết quả do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam phân tích thì chất lượng nước khu vực thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây cho thấy 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần…
Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang hồ Tây.
Theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm tuy nhiên gần như không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lý thí điểm.
Đặc biệt là sau ngày 10/11/2019, khi dỡ toàn bộ thiết bị xử lý trên sông Tô Lịch thì người dân đã cho biết “do không còn thiết bị của Nhật Bản thì đoạn sông lại bốc mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu”.
“Tính đến thời điểm này, Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào cho dự án tài trợ thí điểm này. Có thể vì lý do này lý do khác ở Hà Nội chưa hoặc không muốn sử dụng Công nghệ của Nhật Bản chúng tôi, nhưng tôi nghĩ không thể phát ngôn như ông Giám đốc Sở Xây dựng một cách vô trách nhiệm, vô căn cứ, trái với kết luận của UBND TP Hà Nội và không đúng chuyên môn về môi trường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của Công nghệ Nhật Bản” , nội dung thông cáo cho biết thêm.
Được biết, dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7/2019, Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) sẽ công bố kết quả.
Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10.
Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.
Sáu mục tiêu Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản đã đạt được:
– Mục tiêu 1: Xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối (ở cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor mùi hôi thối gần như không còn.
– Mục tiêu 2: Chứng minh việc phân hủy tận gốc một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O mà không cần nạo vét cơ học.
– Mục tiêu 3: Mô phỏng theo xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).
– Mục tiêu 4: Bảo tồn được hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt.
– Mục tiêu 5: kích hoạt vi sinh vật có lợi tăng, làm ức chế và giảm số lượng vi khuẩn có hại như Coliform, E.coli để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống cạnh khu thí điểm và cả dòng sông trong tương lai.
– Mục tiêu 6: Hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).
Vũ Tuấn (t/h)