Con gấu cao 2,7m, nặng tới 340kg, là nỗi kinh hoàng của người dân và trở thành vụ gấu tấn công người thảm khốc nhất lịch sử Nhật Bản.
Cuối năm 1915, một sự kiện kinh hoàng đã diễn ra ở làng Sankebetsu, Hokkaido, Nhật Bản. Thời điểm đó, Sankebetsu là một ngôi làng mới với rất ít người sống trong khu vực hoang dã rộng lớn. Đây đồng thời là nơi ở của nhiều gấu nâu Ussuri, bao gồm một con đực khổng lồ tên là Kesagake.
Sáu ngày “địa ngục trần gian” của người dân làng Sankebetsu
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 11/1915, khi thức dậy sớm sau ngủ đông, gấu Kesagake mò tới gần nhà của gia đình Ikeda ở Sankebetsu và khiến ngựa nuôi hoảng hốt. Nó mò đến để ăn ngô của gia đình người nông dân này, khiến họ tức giận dùng súng bắn đuổi nó đi. Kesagake bỏ chạy sau khi lấy trộm được một ít ngô.
Đến 20/11/1915, con gấu lại xuất hiện. Lo lắng về sự an toàn của gia đình và cả đàn ngựa, Ikeda cùng con thứ hai của mình, Kametaro, và hai người bạn cùng làng lên kế hoạch đi săn gấu, họ muốn giết chết nó để ngăn ngừa hậu họa.
Và điều đó suýt chút nữa thành sự thật khi họ mai phục và tấn công gấu nâu Kesagake khi nó định mon men trở lại để tiếp tục lấy trộm thức ăn, tuy nhiên cuối cùng vẫn không thành công. Ikeda lần theo dấu vết con gấu đến tận núi Onitsuka thì gặp bão tuyết nên quyết định quay trở lại. Những người nông dân tin rằng con gấu đã bị thương và sẽ sợ hãi con người, không bao giờ tấn công các khu định cư nữa.
Tuy nhiên Ikeda và các bạn của anh đã nhầm…
Nỗi đau dày vò từ vết thương chí mạng không làm con gấu nâu to lớn học được cách sợ hãi con người, ngược lại, điều đó càng hằn sâu hơn thù hận và ý định trả thù. Nửa tháng sau, đến ngày 9/12/1915, Kesagake trở lại ngôi làng và cơn ác mộng thực sự bắt đầu!
Kesagake lẻn vào ngôi nhà của người nông dân tên Ota. Nhưng lúc này chỉ có Abe Mayu – vợ của Ota và một em bé trong nhà. Cô Mayu lúc đó đang trông con của hàng xóm, bé Hasumi Mikio.
Con gấu hung dữ tấn công và giết chết em bé. Sau đó, nó quay sang Mayu. Biết khó tránh khỏi cái chết, người phụ nữ cố gắng phòng vệ bằng cách ném củi vào con thú, nhưng vẫn bị nó kéo vào rừng.
Khi dân làng tới nơi, tất cả những gì còn lại là các vệt máu, các vết móng sắc nhọn và một căn nhà tan hoang. Giận dữ trước bi kịch, hơn 30 đàn ông lực lưỡng quyết định theo dấu vào rừng và giết chết ác thú ngay lập tức. Ngày 10/12, họ tìm được Kesagake, đả thương được nó nhưng cuối cùng vẫn để nó trốn thoát.
Và sai lầm lại tiếp tục lặp lại…
Lo sợ Kesagake có thể quay lại tấn công ngôi nhà của Ota hoặc xung quanh đó, dân làng chuẩn bị vũ khí và tập trung lại, quyết định giết nó. Họ đặt bẫy tại nhà của gia đình Ota, nơi nó từng tấn công. Họ đoán gấu Kesagake sẽ trở lại để tìm thức ăn.
Tuy nhiên, điều họ không lường tới là con gấu thông minh hơn thế, nó không dại gì mà chui đầu vào rọ trong khi đang bị thương.
Lần quay trở lại này, Kesagake đã lựa chọn tấn công gia đình Miyoke, một nơi ở cách rất xa so với vị trí mà người dân đang chờ phòng thủ. Nó lao qua cửa sổ phía trước và vồ mọi người bên trong. Tuy một số người bị thương trốn thoát, ba người đã bị giết, bao gồm hai trẻ em và một phụ nữ mang thai.
Theo các nhân chứng, người phụ nữ xin tha mạng khi con gấu tiến tới, nhưng nó không quan tâm. Như vậy, chỉ trong hai ngày, quái thú Kesagake giết chết 6 mạng người, tính cả đứa bé trong bụng người phụ nữ.
Yayo, nhân chứng chạy thoát, kể với dân làng chuyện đã xảy ra. Sau vụ tấn công kinh hoàng, chỉ có những cựu chiến binh ở lại canh gác, những người khác chạy trốn trong sợ hãi.
Đến ngày 12/12, hung tin về Kesagake truyền về cơ quan chức năng tại Hokkaido, và ngay lập tức họ đã gửi 1 đội bắn tỉa đến để trợ giúp dân làng, quyết giết chết con gấu quỷ bằng mọi giá. Dân làng và cả đội bắn tỉa đã đặt bẫy, mai phục khắp nơi, tất cả chỉ chờ sự xuất hiện của Kesagake.
Ngày hôm sau, khi đi tuần tra, người ta phát hiện con gấu này thông minh hơn họ tưởng, thay vì chui đầu vào lưới, nó chọn phương án khác là tấn công và ăn sạch kho dự mùa đông của ngôi làng. Không chỉ thế, Kesagake còn phá nát ít nhất 8 ngôi nhà xung quanh mà không ai hay biết!
Sự nguy hiểm của nó khiến cho số “thợ săn” tăng lên nhanh chóng, người dân địa phương chuyển sang nhờ thợ săn gấu nổi tiếng tên là Yamamoto Heikigachi. Họ từng nhờ ông sau những cuộc tấn công ban đầu nhưng ông từ chối. Thế nhưng sau vụ gấu giết người đẫm máu ở nhà Miyoke, ông đồng ý săn đuổi Kesagake.
Thi thể người trong xác gấu
Yamamoto cùng một người dân địa phương tìm kiếm dấu vết quái thú. Sau khi xem xét ven sông, họ tìm thấy dấu chân gấu và vài vết máu. Cuối cùng, ngày 14/12, Yamamoto tìm thấy Kesagake đang nằm nghỉ dưới 1 cây sồi lớn. Không chậm trễ, ông nhanh chóng tiến lại gần 20m và giết nó bằng hai phát đạn, một vào tim và một vào đầu.
Dù quyết liệt kháng cự, vùng vẫy, cuối cùng thân hình khổng lồ cao 2,7m, nặng hơn 340kg của con gấu quỷ vẫn gục xuống dưới làn nước lạnh. Lực lượng khám nghiệm tử thi sau đó phát hiện thi thể người trong dạ dày của gấu, xác nhận rằng đây là Kesagake khét tiếng.
Như vậy, quái thú Kesagake chịu trách nhiệm cho 7 cái chết, trong đó sáu người bị giết ngay lập tức và một người qua đời vì bị thương nặng. Cụ thể, Miyoke Umekichi, người bị gấu cắn lúc còn nhỏ, qua đời ba năm sau đó.
Về nguyên nhân của vụ tấn công, nhiều người tin rằng quái thú Kesagake thức dậy sớm khi đang ngủ đông vì đói. Người Nhật cho rằng đó là hiện tượng “ngủ đông bất thành”. Việc này khiến gia tăng sự hung dữ, biến nó thành “tử thần”.
Ngoài ra, nạn phá rừng cũng có thể góp phần gây ra vụ tấn công. Do khu vực này bị khai thác gỗ để làm nông và cư trú, môi trường sống của con người và gấu bị trùng nhau. Việc thiếu các con mồi tự nhiên do nạn phá rừng nhiều khả năng đã khiến gấu nâu đến tìm thức ăn gần nơi ở của con người. Khi bị ngăn cản, gấu trở nên hung dữ và tấn công người.
Cho tới nay, đây vẫn là cuộc tấn công của gấu tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau sự việc, dân làng rời bỏ khu vực, để lại quá khứ đằng sau. Sankebetsu cuối cùng trở thành “ngôi làng ma”.
Thiện Thành (t/h)