Gạt bỏ chính trị sang một bên khi làm ăn với Trung Quốc là điều không thể
Đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, việc Mỹ thông qua dự luật xóa bỏ vị thế kinh tế đặc biệt của vùng đặc khu phù hợp với chiến lược “Laam caau” của họ.
Laam caau (攬 炒, phát âm là “lahm tsow”) – chiến lược mà những người biểu tình Hồng Kông nghĩ là cách duy nhất để họ có cơ hội chiến đấu chống lại kẻ thù độc tài ghê gớm của mình – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cụm từ này được hiểu theo nghĩa: Nó khiến đối thủ của bạn phải chịu đựng nhiều như những gì bạn đã chịu đựng. Một số người gọi đó là triết lý: “Nếu chúng tôi bị thiêu cháy, các người cũng sẽ phải bị thiêu cùng chúng tôi”.
Người Hồng Kông tin rằng, khuôn khổ chính trị hiện tại quá gian lận đến mức hoạt động theo các quy tắc do Trung Quốc ra lệnh, điều này cuối cùng nhất định sẽ dẫn đến thất bại.
Chính quyền Trung Quốc đã phá bỏ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông, làm biến đổi hệ thống kinh tế và chính trị hiện tại.
Dưới Đạo luật Tự trị Hồng Kông mới được chính quyền Mỹ thông qua, đặc khu sẽ không còn được hưởng những đặc quyền như trước nữa, mà sẽ chẳng khác gì các thành phố tại Trung Quốc Đại lục, và chính quyền Mỹ có thể ban hành lệnh trừng phạt kinh tế lên các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc vì hành vi vi phạm nhân quyền. Các ngân hàng hợp tác với những quan chức này cũng sẽ bị xử phạt.
Nguyên do đằng sau điều luật mới là bởi vai trò của quỹ “đầu tư đỏ” Trung Quốc tại Hồng Kông (gồm các doanh nghiệp, thực thể do chính quyền Trung Quốc quản lý hoặc tài trợ tiến hành đầu tư kinh doanh tại Hồng Kông) đang ngày càng mang nặng yếu tố chính trị trong vài thập kỷ vừa qua.
Do đó, điều luật mới được chính quyền Mỹ thông qua nhằm mục đích gỡ bỏ đặc quyền mà những công ty Trung Quốc đang được hưởng, khi nằm trong danh sách tại Hồng Kông, đồng thời phế truất những lợi thế tài chính của chính quyền Trung Quốc, mà Hồng Kông được hưởng nhờ vào vị thế đặc biệt của mình.
Độ phủ sóng quỹ đầu tư đỏ tại Hồng Kông
Quỹ đầu tư đỏ nhằm đề cập đến dòng tiền đến từ Trung Quốc Đại lục. Tại Hồng Kông, phần lớn vốn đầu tư Trung Quốc này lưu thông qua các công ty có tên trong Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông – còn được gọi là những cổ phiếu đỏ hoặc cổ phiếu H.
Bên cạnh đó, thuật ngữ ‘Red chip’ dùng để chỉ các công ty Trung Quốc đoàn thể ngoài Đại lục có mặt trên sàn giao dịch Hồng Kông. Trong khi đó, các công ty cổ phần H là những công ty được thành lập tại Trung Quốc Đại lục, và thường được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hoặc Thâm Quyến.
Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy: Từ năm 1972 đến 2017, có 377 công ty tại Trung Quốc được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, là các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân. Trong đó có 298 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 79% tổng số công ty thuộc quỹ đầu tư đỏ được niêm yết trong giai đoạn này, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp khai thác, năng lượng, máy móc, hàng không, viễn thông, vận tải và bất động sản.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, toàn bộ nhân sự trong tập đoàn điều chịu sự quản lý trực tiếp từ ĐCSTQ.
Giữ quyền kiểm soát thông qua dòng vốn
Chính quyền Trung Quốc xem việc cải tổ vốn ở Hồng Kông là một mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát được dòng vốn bất kể chúng thuộc phân loại nào. Điều này có nghĩa là “dòng vốn đỏ” từ Trung Quốc Đại lục vào Hồng Kông đến từ quyền kiểm soát chính trị, mà các công ty này có thể áp dụng lên nhân viên và các đối tác của họ.
Ước tính có khoảng 80.000 nhân viên tại Hồng Kông đang làm việc cho các công ty chịu kiểm soát bởi nguồn vốn đến từ Trung Quốc. Ảnh hưởng chính trị xảy ra thông qua nhiều cơ chế khác nhau, ở các cấp độ thâm niên khác nhau, từ nhân viên bình thường cho đến cấp điều hành.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm 2016, các nhân viên mới của Ngân hàng Trung Quốc và tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc – China Resources Land đã được chỉ dẫn phải bỏ phiếu cho các ứng cử viên yêu nước – những người mà chính quyền Bắc Kinh ưu ái.
Kể từ đó, sự kiểm soát chính trị đã trở thành các loại hình ép buộc mới. Gần đây nhất, nhân viên của các công ty Trung Quốc tại Hồng Kông đã bị buộc phải đưa ra lựa chọn trước luật an ninh quốc gia đang gây tranh cãi: Ủng hộ điều luật hoặc rời khỏi công ty. Các nhân viên không được phép giữ lập trường trung lập.
Lý luận về lòng trung thành
Những cán bộ cấp cao trực thuộc các công ty thuộc quỹ đầu tư đỏ sẽ được quản lý thông qua lý luận về lòng trung thành.
Các nhà quản lý cấp cao Trung Quốc thường được ĐCSTQ điều phối hoặc chuyển sang đảm nhiệm các vị trí trong đảng và chính phủ, từ đó khiến lòng trung thành trở thành yếu tố then chốt trong sự nghiệp của một cá nhân.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh: Tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, thông qua việc đưa các chi bộ của Đảng vào cơ cấu quản trị của toàn bộ các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc.
Trước khi các cơ quan quản lý tại Hồng Kông đưa ra phản ứng, thì các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch tại đặc khu đã sửa đổi trước Hiến pháp các công ty của họ – cho phép các chi bộ của Đảng tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.
Những cá nhân nào không lập tức thể hiện được lòng trung thành của mình, sẽ phải đối mặt với những tổn hại cho sự nghiệp. Điều này đã xảy ra với Law Ka-chung – cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Truyền thông. Ông khẳng định mình đã bị buộc phải từ chức vì lý do chính trị vào cuối năm 2019.
Tầm ảnh hưởng bành trướng của quỹ đầu tư đỏ tại Hồng Kông cho thấy: Việc gạt bỏ yếu tố chính trị sang một bên khi làm ăn với Trung Quốc là điều không thể.
Và hiện giờ, Đạo luật Tự trị Hồng Kông mới được chính quyền Mỹ thông qua, đã dập tan ảo mộng của giới tinh hoa kinh tế và chính trị Trung Quốc khi cho rằng, họ có thể kiểm soát được Hồng Kông mà vẫn được hưởng những đặc quyền từ chính sách “hai chế độ”.
Tác giả: Heidi Wang-Kaeding
Việt Anh (Theo Hongkongfb)