Trận cháy rừng kinh hoàng tại Úc lần này đã gây ra không ít thiệt hại và mất mát đau thương cho người dân Úc. Một phần lớn diện tích rừng, động vật, và tài sản bị thiêu rụi. Đặc biệt là loài gấu Koala, loài vật biểu tượng của nước Úc đang trong tình trạng bị sụt giảm nghiêm trọng, có khả năng liệt vào nhóm động vật “nguy cơ tuyệt chủng cực cao”.
Các lực lượng cứu hộ vẫn đang ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để truy tìm số Koala và các động vật còn sót lại khác đang mắc kẹt giữa đám cháy.
Đặc biệt, đi cùng họ còn có những nhân vật thầm lặng không thể thiếu chính là hai chú chó: Bear (lai giữa giống collie biên giới và koolie bản địa Úc), và Taylor (giống springer spaniel Anh Quốc), chuyên phụ trách công việc đánh hơi gấu Koala để tìm kiếm và giải cứu những con vật này.
Bear – chú chó mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Trước đây, Bear đã từng bị chủ của nó đưa đến trung tâm bảo trợ động vật sau một thời gian nuôi dưỡng. Họ phát hiện Bear mắc chứng “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. Một chứng bệnh khiến chú chó không thể chung sống hay hòa đồng với những con chó khác. Bear cũng không thích được vuốt ve hay gần gũi con người, tuy nhiên nó lại là một chú chó khá nhanh nhẹn và giàu năng lượng.
Theo Đại học Bờ biển Ánh Dương, bệnh lý này của Bear tuy không thích hợp để nuôi dưỡng như một chú chó cưng, nhưng lại vô cùng hữu ích cho mục đích truy tìm những con Koala và động vật bị thương khác. Nó đã được đem đi huấn luyện chuyên nghiệp, và trải qua một khóa đào tạo mở rộng để đánh hơi mùi lông của Koala (chứ không đơn thuần chỉ là đánh hơi mùi phân như hầu hết những con chó khác).
“Một khi tìm thấy Koala, nó sẽ ngồi yên để báo hiệu cho mọi người rằng nó đang ở gần con vật này. Sau đó, nó sẽ được thưởng cho một pha bắt bóng”, bà Rebekka-Thompson Jones thuộc Quỹ bảo vệ động vật quốc tế đã mô tả phương pháp đánh hơi của Bear.
Người huấn luyện của Bear, hiện đang làm việc tại Đại học Bờ biển Ánh Dương, Queensland, Úc, thậm chí còn chế tạo ra những đôi bốt đặc biệt để bảo vệ bàn chân và móng vuốt cho chú chó khỏi đám tro tàn vẫn còn nóng.
“Việc giải cứu gấu Koala hiện đang vô cùng khó khăn hơn bao giờ hết. Với một sự khởi đầu đầy tàn khốc của mùa cháy rừng, sẽ cần tới vài tuần hoặc vài tháng để những ngọn lửa này lụi đi”, Josey Sharrah chia sẻ.
Được biết, chú chó này hiện đang ‘công tác’ cho quỹ Detection Dogs for Conservation, cùng với sự hỗ trợ của Quỹ bảo vệ động vật quốc tế – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ động vật và hành tinh. Chú chó cũng tham gia vào các dự án giải cứu và hỗ trợ gấu Koala ở khu vực Queensland như Dịch vụ cứu hỏa và khẩn cấp Queensland – QFES, tổ chức Queensland Koala Crusaders và tổ chức Wildcare Australia Inc.
Khu vực này hiện đã được xác nhận là an toàn nhưng đám cháy tàn khốc đã phá hủy trầm trọng môi trường sống và cướp đi sinh mạng của hàng trăm con gấu Koala, cùng các loài động vật hoang dã bản địa khác. Chính vì vậy, khả năng đánh hơi của Bear là một yếu tố quan trọng cho công cuộc dò tìm những loài vật còn sống sót.
Mặc dù hiện tại chú chó vẫn chưa tìm thấy bất kỳ con Koala nào tại khu vực này, nhưng Bear cùng nhóm lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục không ngừng tìm kiếm ở những khu vực bị cháy khác. Đồng thời các thành viên trong nhóm cứu trợ cũng sẽ để mắt đến những tán cây, xem có con koala nào còn sót trên đó trong lúc đi cùng Bear không.
Bear cùng với đội cứu hộ của mình vẫn sẽ luôn túc trực để được bổ nhiệm tới các địa điểm cần hỗ trợ ở cả New South Wales và Queensland.
“Trong thời gian tới, các loài động vật hoang dã vẫn sẽ tiếp tục cần được giải cứu và điều trị, có thể sẽ phải chăm sóc chúng trong một khoảng thời gian nhất định…”, Sharrah nói.
Taylor- cô chó có thể đánh hơi mùi của Koala cách nó 125m
Nhỏ tuổi hơn Bear, Taylor cũng là một con chó tài giỏi, đang giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm kiếm những con Koala bị mắc kẹt tại các vùng bị ảnh hưởng cháy rừng Úc.
Nó đã được huấn luyện từ khi mới 8 tuần tuổi và toàn bộ lứa chó anh chị của Taylor, bao gồm cả chó bố, đều được thuần huấn và làm việc chuyên nghiệp để tìm kiếm các loài động vật như cóc mía, chuột, chim, thằn lằn và rắn.
Riêng Taylor, nó đặc biệt giỏi trong việc đánh hơi gấu Koala, cầy túi, cáo nhỏ hay thậm chí là mèo và thỏ. Đồng thời nó còn có thể nhận diện được mùi phân của bất kỳ loài động vật săn mồi nào.
Mặc dù Taylor chỉ mất vài tuần để hiểu về cách đánh hơi tìm koala, nhưng phải tới khi 11 tháng tuổi, cô chó này mới đủ khả năng cho đi thực vụ. Hiện tại, Taylor đã có thể lần ra mùi của loài gấu koala và nhận diện một con koala nhỏ bị thương cách nó 125 mét. Taylor cũng có thể làm việc không ngừng nghỉ, và hoạt động được trong khoảng từ 10 đến 35km mỗi ngày.
Nó cũng có thể đánh hơi được mùi hương của những động vật còn sống và sẽ ngồi gần con vật đó nhất có thể (có thể ngửi thấy mùi của những con vật đang ở trên cây). Hay nếu không thể xác định được vị trí của con vật, Taylor sẽ nằm xuống và chĩa mũi vào đám phân vừa đánh hơi được.
Taylor cũng giống như tất cả những con chó đánh hơi khác, nó được cho chung sống cùng với nhiều loài vật nhất có thể. Vì thế khi bất cứ con vật nào chạy nhảy trước mặt nó, Taylor sẽ tự động ngồi xuống chứ không đuổi theo để bắt và làm hại con vật.
“Khi còn nhỏ, mỗi lần đánh hơi được mùi phân hay mùi lông của Koala, nó sẽ nhận được phần thưởng yêu thích của mình là một quả bóng tennis hoặc sẽ được âu yếm, tuyên dương”, người huấn luyện của Taylor, anh Ryan Tate cho biết.
Hiện tại Tate đã dẫn dắt Taylor tập trung vào các vùng cháy lớn, cũng là môi trường sống của loài Koala. Và đến nay cô chó anh hùng này đã tìm thấy được 15 con gấu Koala, bao gồm cả một cặp Koala mẹ con.
“Taylor rất nhanh nhẹn và hăng say, nó hoàn thành công việc rất nhanh tại nhiều khu vực hơn so với chúng tôi nên nó đóng vai trò rất lớn trong công cuộc giải cứu Koala”, Tate chia sẻ.
Anh cũng cho biết thêm rằng “Thật không may, do các đám cháy hiện đang hoành hành trên khắp bang New South Wales và Victoria, nên các khu vực này hiện đang cháy rất khốc liệt và các hoạt động công tác buộc phải tạm dừng tại đây”.
Vào ngày 7/1, tổ chức huấn luyện động vật TATE Animal cũng đã viết trên Facebook rằng:
“Phần lớn những hoạt động công tác của chúng tôi được thực hiện ở những nơi có các bụi cây. Taylor cũng đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm động vật hoang dã bị thương ở những vùng đất rừng bị cháy trụi quanh bờ biển phía Bắc.
Chúng tôi hi vọng nhiệt độ sẽ giảm dần, không khí dần trở nên trong lành và cây cối sẽ dần trở nên xanh tươi lại như trước.”
Koala được xếp vào loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cực cao
Hiện tại, tương lai của loài Koala này đang khá mờ mịt. Dù hiện nay đã chính thức được xếp vào loại “dễ tổn thương”, nhưng Tổ chức Koala của Úc tin rằng hiện nay đã có đầy đủ bằng chứng để liệt loài vật này vào nhóm “nguy cơ bị tuyệt chủng cực cao”. Và điều đó đang ngày càng có lý hơn khi các đám cháy vẫn tiếp tục tàn phá môi trường sống và giết chết số lượng lớn loài vật này.
Đặc biệt vào dịp Halloween năm ngoái, khi những đám cháy lan đến gần vùng Port Macquarie, ước tính đã có đến hàng trăm con gấu Koala bị thiêu chết.
Giám đốc bệnh viện cứu trợ koala tại khu vực này, bà Cheyne Flanagan, chia sẻ rằng:
“Tôi nghĩ rằng đây là một thảm kịch của quốc gia khi khả năng cao chúng ta đã mất đi một số lượng lớn các loài động vật.”
Được biết, có khoảng 60 đến 70% số lượng koala bị chết tại một số khu vực, và các nhà bảo tồn koala đang thật sự lo ngại về khả năng tuyệt chủng cục bộ của loài vật này.
Thanh Thiên (Theo The Epoch Times)