Trong chín tháng đầu năm, Đồng bằng Sông Cửu Long có tới gần 8.000 doanh nghiệp giải thể, thu ngân sách địa phương chỉ đạt khoảng 90 ngàn tỷ đồng, chưa được 50% so với kế hoạch.
Theo thông tin trên RFA, ngày 20/10, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, trong vòng 9 tháng đầu năm nay, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có gần 8.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, trong quý 3/2021, xuất khẩu của vùng ĐBSCL bị giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8 và tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, có 8/13 tỉnh trong vùng giảm xuất khẩu đáng kể, đặc biệt là một số tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh có tỷ lệ giảm mạnh.
Một số tỉnh như Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre lại có giá trị nhập khẩu cao hơn cùng kỳ.
Giám đốc VCCI Cần Thơ, ông Nguyễn Phương Lam cho biết, do tình hình dịch bệnh nên vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn và tụt hậu hơn so với cả nước.
Trong chín tháng đầu năm, vùng này có tới gần 8000 doanh nghiệp giải thể trong khi chỉ có hơn 6.000 doanh nghiệp được thành lập, thu ngân sách địa phương chỉ đạt khoảng 90 ngàn tỷ đồng, chưa được 50% so với kế hoạch.
Khi Chính phủ cho phép nới lỏng phong tỏa từ đầu tháng 10, chỉ có khoảng 30 – 50% số doanh nghiệp trong khu vực mở cửa hoạt động trở lại. Hiện do những hạn chế về yêu cầu tiêm vắc-xin đầy đủ cho lao động nên số doanh nghiệp có quy mô lao động cao vẫn chưa nhiều.
Yên Yên (t/h)