Gần 68.000 doanh nghiệp Việt Nam giải thể hoặc ngưng hoạt động trong cả năm 2014, Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo mới nhất.
Đây là mức tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan này nói thêm.
Trong khi đó, trong cả năm 2014 chỉ có tổng cộng gần 75.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm ngoái.
Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngưng hoạt động tại Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2014, bất chấp việc nền kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế tăng trưởng 5,93% trong cả năm 2014, cao hơn so với chỉ tiêu 5,8% mà chính phủ đề ra.
“Tăng trưởng tổng thể chưa đủ”
Trả lời BBC ngày 30/12, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong nước là “rất đáng lo ngại”.
“Số lượng doanh nghiệp đóng cửa tiếp tục tăng so với năm ngoái chứng tỏ môi trường kinh doanh cũng như sức khỏe doanh nghiệp chưa tốt”, ông nói. Tuy nhiên, ông cho rằng tình trạng này có thể được cải thiện trong năm 2015.
“Chính phủ đang quyết tâm đảo xu hướng và tôi nghĩ cũng có cơ sở để tin vào điều ấy”, ông nói.
“Đã có những cải thiện về môi trường kinh doanh như chuyện giản lược thủ tục nộp thuế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cũng như cải thiện quy định đối với việc tiếp cận thị trường, ngành nghề kinh doanh”.
“Bên cạnh đó cũng đã có những nỗ lực để thị trường can thiệp nhiều hơn vào vấn đề giá cả, kết hợp với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn để khối tư nhân hoạt động được thông thoáng hơn”.
Ông Thiên cho rằng việc tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu trong năm 2014 là do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực đầu tư nước ngoài.
“Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam đối với nước ngoài”, ông nói.
“Tuy nhiên, nó cũng cho thấy những ràng buộc thể chế đối với khu vực trong nước cần được nới lỏng hơn nữa”.
“Phần công nghiệp và dịch vụ trong nước không tăng mạnh bằng là một chỉ báo rất đáng quan tâm”.
“Nếu chỉ quan tâm đến tăng trưởng tổng thể thì vẫn chưa được, mà còn phải chú ý đến vấn đề cơ cấu tăng trưởng”.
Theo BBC