Tinh Hoa

Gái có công nhưng chồng vẫn phụ, người phụ nữ sau này trở thành nữ doanh nhân lẫy lừng

Tang Kiện Hòa (SN:1945), quê ở Sơn Đông, Trung Quốc. Thời còn trẻ, bà là người con gái có nhan sắc xinh đẹp, lại chăm chỉ nên được rất nhiều người thầm thương. Tuy nhiên, bà không chấp nhận một ai, mà đi yêu một chàng bác sĩ nghèo Thái Lan. Nhưng rồi sau vài năm chung sống, người chồng ra đi, bỏ lại bà cùng 2 cô con gái nhỏ bơ vơ.

Tang Kiện Hòa khi còn trẻ là người con gái rất xinh đẹp. (Ảnh qua Gia Đình)

Năm 22 tuổi, bà quen được một vị bác sĩ nghèo người Thái Lan, đang công tác tại bệnh viện, nơi bà làm điều dưỡng. Sau 2 năm, hai người đi đến hôn nhân dưới sự chúc phúc của gia đình nhà bà và cả bạn bè hai bên.

Một năm nọ, chồng bà nhận tin bố đẻ qua đời, vì vậy ông phải về nước gấp để chịu tang. Ông vốn là con trai cả nên khi bố ra đi, nhà chỉ còn lại mẹ già mà cứ ở lại Trung Quốc cũng không được.

Trước khi đi, ông để lại cho vợ địa chỉ nhà mình tại Thái Lan cùng lời hứa hẹn một ngày nào đó sẽ đoàn tụ.

Từ ngày chồng ra đi, bà cứ mòn mỏi chờ đợi, thế nhưng suốt 1 năm trời vẫn bặt vô âm tín. Tang Kiện Hòa lo lắng chồng có gì bất trắc, nên gom hết tiền bạc cùng hai cô con gái sang Thái tìm chồng.

Tang Kiện Hòa khi còn trẻ và hai cô con gái. (Ảnh qua Cunman)

Nhưng nào ngờ mọi lắng của bà lập tức tắt lịm, ông ấy vẫn bình an và hạnh phúc, nhưng không phải bên bà, mà là bên một người phụ nữ khác, một cô gái trẻ, đang bồng trên tay một bé trai. Mẹ chồng bà sau đó cũng xuất hiện, và giới thiệu đó chính là vợ mới của con trai bà.


Nhà ông cũng không nghèo như những gì ông nói, mà là một nhà buôn lụa rất giàu có. 

Pháp luật Thái Lan khi đó cho phép đa thê nhưng bà thì không thể tin nổi tình cảnh trước mắt. Bà đau đớn hỏi chồng, chúng ta đã kết hôn ở Trung Quốc rồi mà, sao ông nỡ phụ bạc bà.

Chồng bà chỉ im lặng quay mặt đi, còn mẹ chồng thì nói: “Cô có hai cô con gái, gia đình chúng tôi chỉ cần cháu trai thôi”.

“Chọn em hay chọn cô ấy?”, bà Tang dù đau đớn vẫn quay sang hỏi chồng.

Người chồng vẫn lặng thinh, nhìn sang người vợ trẻ mỉm cười rồi xoa đầu con trai.

Đến lúc này, mẹ chồng bà nổi đóa: “Sao cô cứng đầu vậy? Con trai tôi không thiếu vợ. Nếu cô muốn thì cứ ở lại đây, ba mẹ con cô sẽ không bao giờ thiếu ăn thiếu mặc”.

Vậy là bà đã hiểu tất cả, có lẽ người chồng từng rất yêu thương bà sẽ không bao giờ quay về như xưa nữa. 

Tang Kiện Hòa mặc kệ lời gợi ý của mẹ chồng, bà cùng hai cô con gái nhỏ xách hành lý về nước. Bà dứt khoát không chịu cảnh chung chồng cho dù có được phú quý, sung sướng.

Trên đường về, khi quá cảnh ở Hong Kong, Tang Kiện Hòa thầm nghĩ, giờ mà về quê nhà thì chắc chẳng còn mặt mũi đâu. Vì vậy bà quyết định dùng số tiền ít ỏi còn lại thuê nhà lập nghiệp luôn tại Hong Kong.

Vì không biết tiếng Anh hay thạo tiếng Quảng Đông, bà chỉ có thể làm việc tay chân. Bà làm rất nhiều công việc khác nhau, và phải tất bật từ sáng sớm đến tối muộn. Nhưng dù vất vả cỡ nào, bà vẫn mãn nguyện vì có hai cô con gái ngoan ngoãn, hiểu chuyện.

Có lần, một người bạn đến thăm. Tang Kiện Hòa đã đãi vị khách món bánh bao truyền thống ở quê để mời, người này ăn và cảm thấy hương vị món bánh thật tuyệt vời nên góp ý bà có thể làm món bánh này đem bán.

Tang Kiện Hòa nghe lời gợi ý mà như nắm bắt được cơ hội quý giá. Bà mới bị chấn thương ở lưng phải nằm viện. Vì vậy mà cũng mất luôn công việc là thu nhập chính ở nhà hàng. 

Đang vất vả trong việc mưu sinh, nay lại nghe người bạn nói vậy, bà thầm nghĩ đây có thể là cách hay, nên ngay hôm sau, bà cùng hai con gái đẩy xe bánh bao bán ở bến tàu Wan Chai.

Nhưng điều khiến bà lo nhất là chuyện cảnh sát sẽ bắt phạt những người bán hàng rong. Do đó, bà sai cô con gái nhỏ trông chừng, nếu có cảnh sát đến thì báo tin. Nhưng một lần cô bé do mãi đùa giỡn với một con chó nhỏ nên khi đó bà đã bị phát hiện.

Thấy xe bánh bao bị thu, cô con gái nhỏ thương mẹ, ôm lấy chân người cảnh sát gào khóc: “Chú chú đừng bắt mẹ cháu đi. Đó không phải lỗi của mẹ, là lỗi của cháu không trông để báo chú đến”. 

Hành động của cô bé khiến Tang Kiện Hòa bật khóc theo, còn người cảnh sát cũng vừa bất ngờ vừa bối rối. Cảm thấy hai mẹ con thật đáng thương, người cảnh sát cũng giả vờ mắt nhắm mắt mở cho qua, thỉnh thoảng còn đến ủng hộ 3 mẹ con bánh bao.

Bà Tang tự làm bánh bao bán ở bến tàu ngày ấy. (Ảnh: Wallstreet)

Bánh bao của bà thơm ngon đến nỗi có hàng dài người xếp hàng chờ mua. Nhờ đó, bà có tiền trang trải cuộc sống và lo cho hai con đi học, số tiền tiết kiệm được thì bà dựng một gian hàng ngay bến tàu mà không dùng xe đẩy nữa. Bà cũng không cần phải tất bật đi chợ nữa, vì các chủ cửa hàng làm nguyên liệu cũng chủ động giao thịt, rau đến cho bà. Ngay cả phóng viên cũng viết bài khen ngợi về món bánh của bà. 

Năm 1982, danh tiếng món bánh bao của Tang Kiện Hòa đã đến tai Chủ sở hữu của Daimaru – nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, khi con gái ông một lúc ăn hết 20 cái bánh bao ở đây khiến ông cũng phải bất ngờ.

Ông nhận định rằng món bánh bao truyền thống này rất có tiềm năng trong việc phát triển nên muốn đưa vào chuỗi siêu thị của mình và tìm đến nhà máy bánh bao của bà Tang.

Nhưng Tang Kiện Hòa chỉ bối rối trả lời: “Tôi còn không có mặt tiền bán bánh thì nhà máy ở đâu ra?”

Dù ông chủ đã tài trợ cho Tang Kiện Hòa chi phí xây dựng nhà máy, nhưng bà Tang vẫn kiên quyết để tên mặt hàng là “Bánh bao bến tàu Wan Chai” như danh tiếng món bánh hàng rong trước kia bà bán. Bà không đồng ý dán nhãn thương hiệu Daimaru, hay cả in nhãn hàng và số điện thoại của công ty chính như yêu cầu. Cuối cùng, bà đã thương lượng thành công.

“Bánh bao bến tàu Wan Chai” thành công trở thành thương hiệu chiếm 10% thị trường bánh bao tươi và 30% thị trường đồ đông lạnh ở khắp Hong Kong. Không những thế còn được xuất khẩu đi nhiều nước. Không chỉ bánh bao, những mặt hàng khác như sủi cảo, tiểu long bao, há cảo… cũng được đưa vào các mặt hàng. Thương hiệu còn mở rộng cơ sở ra cả Thượng Hải, Đài Loan… và hợp tác với một công ty thực phẩm lớn thứ 3 nước Mỹ.

Thương hiệu “Bánh bao Wan Chai” trở nên nổi tiếng không chỉ ở Hong Kong. (Ảnh: Wallstreet)

Vậy là sau bao nhiêu năm vất vả bươn chải, bà Tang đã tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Bà không chỉ lo được cho hai cô con gái cuộc sống ổn định, mà các con bà hiện tại đều được đi du học nước ngoài. Bà đã gây dựng nên cho cho chính mình sự nghiệp huy hoàng và được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá.

Bà Tang trở thành một nữ doanh nhân thành đạt và sở hữu nhiều giải thưởng lớn. (Ảnh qua Cafebiz)

Ngày 8 tháng 2 năm ngoái tại Hong Kong, bà Tang đã ra đi mãi mãi, hưởng thọ 73 tuổi. Khi nhắc đến bà, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường nuôi nấng hai người con và món bánh bên bến tàu thơm ngon khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi hương vị.

Mạch Khê (t/h)