“Việc định tâm lại, hiểu rõ những quy luật cuộc sống sẽ giúp mỗi người có thể nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo, giải quyết vấn đề công việc, nhân sự”, Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chia sẻ trong Ngày công nghệ FPT tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, 21/5 vừa qua.
Là diễn giả khép lại diễn đàn trao đổi các vấn đề về khởi nghiệp, và công nghệ, Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã đem đến góc nhìn đa chiều về sự phát triển và đổi mới. Theo anh Nghĩa, sự phát triển không ngừng hiện nay được xem là sự phát triển có tính chất hủy diệt. “Thử tưởng tượng, tôi cao 1m71, nếu mỗi ngày qua đi, tôi lại cao thêm 1 cm, thì chẳng khác nào tôi là quái vật“, anh ví von cho ý kiến của mình.
Chia sẻ về con đường phát triển của FPT, anh Nghĩa cho rằng, FPT cần đưa ra một mức giới hạn cho riêng mình, và “cải tạo não bộ” của nhân viên, cho mỗi người được sống với đúng con người họ. Có như thế, năng suất lao động sẽ tăng gấp 3-4 lần.
“Khi định tâm lại, mọi xung đột sẽ tiêu tan, con người sống với đúng bản ngã của mình. Sự tĩnh lặng khi thiền đến một mức nào đó sẽ kết nối các nguồn năng lượng khác, cho ra nhiều ý tưởng đặc biệt, sáng tạo”, anh nói.
Giải đáp thắc mắc của Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương về “người cố vấn“. Kiến trúc sư khẳng định, anh không hề có “người chỉ đường“. Khi còn học bên Nhật, anh Nghĩa được học về phương pháp tư duy thay vì kỹ năng thực tiễn. Điều đó đặc biệt giúp ích khi bản thân tìm cách để hiện thực hóa các mong muốn.
Ngày nay, cuộc sống đi lên, con người lại đánh mất chính mình. Nhiều người dành cả đời để đi tìm những giá trị mà bản thân họ đã có. “Tôi không phản đối sự đam mê và phát triển, nhưng quan trọng là bản thân mỗi người có đang sống với cuộc sống của chính mình hay không? Sự phát triển chỉ có ý nghĩa khi các bạn sống ý nghĩa từ bây giờ“, Kiến trúc sư bày tỏ sự hoài nghi.
Chỉ ra hai mặt của sự phát triển,vị kiến trúc sư cho rằng, điều cần quan tâm đến là “sự bình an“. Mỗi người thường cố gắng làm việc cho đến tận lúc chết, nhiều người dù thành công cũng không có được hạnh phúc thật sự. Bởi vậy, một trong những cách để cân bằng cuộc sống được anh Nghĩa tin tưởng chính là Thiền.
“Tôi cho tất cả nhân viên của mình đi thiền, rèn luyện sức tập trung. Sống chậm, giảm các cảm xúc về sự yêu ghét, bỏ đi những suy nghĩ không cần thiết sẽ giúp nâng cao năng suất“, anh Nghĩa chia sẻ cách giúp anh có được chiến thắng tại những sân chơi quốc tế.
Trước đó, anh Nghĩa cũng dành thời gian để giới thiệu về các công trình kiến trúc xanh của anh.
Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976 tại Quảng Bình, trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em. Anh chịu ảnh hưởng lớn của nền giáo dục Nhật Bản. Sau khi thi đỗ Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh nhận học bổng Chính phủ Nhật năm 1996, theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thuật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002.
Anh là KTS Việt đầu tiên dám đưa tác phẩm dự thi quốc tế và đoạt giải. Anh Nghĩa cho rằng, kiến trúc xanh đúng là xa xỉ nhưng chỉ là trong tư duy và suy nghĩ. Trong điều kiện dân cư chật chội đông đúc, kiến trúc xanh là bài toán để giải đáp cho đô thị hiện tại.
Cafe Gió và Nước ở Bình Dương là công trình đoạt giải thưởng Kiến trúc quốc tế đầu tiên của KTS Võ Trọng Nghĩa. Gần đây nhất là nhà hiệu bộ ĐH FPT, công trình thiết kế giành giải Nhất kiến trúc xanh Việt Nam và được vinh danh tại Festival Kiến trúc thế giới.
Theo chungta.vn