Vượt qua cả thương hiệu Star Wars, phần 8 của dòng Fast and Furious trở thành bộ phim có doanh thu cuối tuần đầu tiên cao nhất trong lịch sử.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ với 2 ngày khởi chiếu sớm, Fast & Furious 8 đã thu được hơn 20 tỉ, trở thành phim có doanh thu khởi chiếu sớm cao nhất Việt Nam. Khi phim chính thức công chiếu vào ngày 14/4 vừa qua, các suất chiếu cuối tuần gần như kín chỗ, đặc biệt là buổi tối, ở hầu hết các rạp. Bên cạnh đó, với những con số khổng lồ đạt đến thời điểm hiện tại là hơn 70,5 tỷ đồng doanh thu và 818,382 lượt khán giả ra rạp tại Việt Nam, Fast & Furious 8 đã xuất sắc trở thành bộ phim có doanh số cao nhất mọi thời đại sau tuần công chiếu chính thức. Con số này đã vượt qua kỉ lục mà Kong: Skull Island xác lập cách đây không lâu.
Với 532,5 triệu USD doanh thu trên toàn thế giới ngay trong cuối tuần đầu tiên công chiếu, Fast & Furious 8 cũng đã đánh dấu tên mình trở thành bộ phim có mở màn cao nhất mọi thời đại, soán ngôi của Star Wars: The Force Awakens năm ngoái. Đồng thời, Fast & Furious 8 cũng đánh dấu bước ngoặc gây bất ngờ lớn cho loạt phim huyền thoại này, khi trở thành phần phim có doanh thu mở màn cao nhất trong suốt loạt phim khi cao hơn Fast 7 đến 35%. Vẫn biết rằng phim nào của loạt Fast and Furious bao giờ cũng có mở màn ấn tượng, nhưng nhiều người vẫn không ngờ tới độ “khủng” của phần 8 lại lớn tới mức này.
Đây là điều khó chấp nhận với nhiều fan của Star Wars, trong khi Chiến tranh giữa các vì sao luôn được coi là một biểu tượng điện ảnh có ảnh hưởng lớn tới văn hóa, lịch sử thì Fast dừng lại là dòng phim thuần giải trí. Thế nhưng đội đua xe của anh Dominic Toretto xem ra có khá nhiều lợi thế để bước lên ngôi vị số 1 của bảng xếp hạng doanh thu, trở thành một trong những mô hình điện ảnh lợi nhuận có một không hai trong lịch sử.
Fast and Furious 8 đã trở về lại với bản chất thật của mình, một siêu phẩm giải trí thuần khiết khiến bạn phải sướng cả mắt đã cả tai. Một bộ phim siêu anh hùng với nhân vật chính là các tay đua cự phách mà bạn không thể bỏ qua nếu đã trót lỡ yêu thể loại phim hành động.
Quy mô của loạt Fast vẫn tiếp tục “phình ra”.
Nếu như không tính Tokyo Drift thì nhìn chung doanh thu của các phần phim sau này của Fast and Furious theo đó mà tăng với tốc độ chóng mặt. Nếu như Fast 5 thu về 626,1 triệu USD, Fast and Furious 6 là hơn 700 triệu USD thì Fast 7 đã đặt dấu mốc với 1 tỉ rưỡi USD tại khắp các thị trường. Đây có lẽ sẽ không phải là một thử thách gì quá khó khăn đối với Dom và đồng đội, đến tàu ngầm hạt nhân các anh còn đua được thì đua Fast 8 tới câu lạc bộ tỉ USD không phải là vấn đề.
Nhiều nhưng vẫn không mất chất
Một lí do người ta vẫn muốn đi xem Fast đó là nội dung của các phim được duy trì ở mức “đủ dùng”, kết hợp với một hiệu ứng âm thanh, hình ảnh hoành tráng là quá hợp lý cho một bộ phim giải trí. Sau 4 phần phim đầu, chất lượng của các phần phim sau này của dòng Fast and Furious được giữ ở tầm 60-70% trên trang Rotten Tomatoes. Hiếm có một loạt phim nào có thể giữ được phong độ tốt như thế tới tận 8 phần.
Hiệu ứng sau cái chết của Paul Walker chưa hết
Ngay cả khi Fast 7 được dành ra để tưởng nhớ sự ra đi của nam tài tử Paul Walker và được chào đón nồng nhiệt, thì hiệu ứng này vẫn nằm lại trong khán giả cho tới tận phần The Fate of the Furious này. Việc xử lý khéo léo mối liên kết giữa Brian và các nhân vật càng khiến cho tên tuổi của dòng phim được biết tới rộng rãi và là một cách để người xem gắn bó hơn với loạt phim.
Dễ xem với hầu hết mọi đối tượng khán giả
Sức hấp dẫn của chuỗi phim Fast and Furious nằm ở sự kết hợp giữa hành động (nhiều khi hoành tráng đến ngớ ngẩn) và một vài thông điệp tình cảm đơn giản dạng như “Gia đình là số 1, các điều khác không quan trọng” ngạc nhiên chưa, đã chiếm được cảm tình của đại đa số khán giả.
So sánh với một fanchise cũng cháy nổ đùng đùng là Transformers có thể thấy ở Fast and Furious là sự tự nhận thức mạnh mẽ mà các nhân vật “người” hiểu rõ việc họ ở đó làm gì và họ muốn gì. Nói đơn giản là khán giả sẽ không cảm thấy khó hiểu về động lực của các nhân vật như đối với số robot của Michael Bay chẳng hiểu sao cứ quanh quẩn làm taxi ở Trái Đất. Với Fast and Furious, khán giả không cần “vứt não ở nhà”, đơn giản là chỉ cần mang nó theo và để nó nghỉ ngơi trước màn hình.
Chuyện “hậu cung” giữa The Rock và Vin Diesel
Mặc dù không chắc chuyện bằng mặt không bằng lòng giữa Vin Diesel và The Rock có thực sự giúp gì cho doanh số bán ra của phim, thì chắc chắn đây là một trong những câu chuyện vỉa hè thu hút của mạng xã hội. Cho đến giờ vẫn không rõ lí do gì đã khiến Vin Diesel – người vốn có quyền lực rất lớn trong loạt Fast and Furious – cắt cảnh credit của Dwayne Johnson và Jason Statham, thế nhưng điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tương lai phần phim riêng về nhân vật Hobbs do The Rock thủ vai.
Thị trường Trung Quốc và ít đối thủ cạnh tranh
Trong tuần này các phim lớn đều “né” con “thú dữ” là Fast and Furious 8 để ra mắt vào trước hoặc sau đó, do lường trước khả năng mọi doanh thu sẽ bị Fast cuốn sạch. Vị trí thứ hai của top phim Bắc Mỹ là The Boss Baby tuần này cũng chỉ thu về vỏn vẹn 15.5 triệu USD.
Trong khi đó, Trung Quốc chính là một trong những ông lớn quốc tế đem lại cho Fast 8 kim tiền rủng rỉnh với riêng 190 triệu USD đến từ đất nước tỉ dân. Đây mới là nhân tố quan trọng nhất giúp Fast 8 có thể vượt mặt gã khổng lồ Star Wars: The Force Awakens để trở thành ông hoàng phòng vé cuối tuần.
Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Đây cũng là cứu tinh của những bom xịt nội địa như Warcraft hay Terminator. Star Wars đã có thể giữ được vị trí quán quân của mình, nếu như tìm được cách đặt chân vào con số ít ỏi khoảng ba chục phim nước ngoài được Trung Quốc cấp phép nhập về chiếu mỗi năm.
TinhHoa tổng hợp