Một nhóm nhạc Công giáo tại thành phố Indianapolis, bang Indiana là một trong những nạn nhân mới nhất của chính sách kiểm duyệt quảng cáo. Facebook đã gắn nhãn bài hát của nhóm này có “nội dung chính trị”.
Bài hát “Thiên Đường nhìn ra sao” có lời lẽ về tâm linh, theo phong cách của một bài hát ca ngợi Công giáo. Trong 30 giây đầu tiên của video cũng có các hình ảnh về sự hỗn loạn, mô tả những người biểu tình vẫy cờ Mỹ và được mang đi trong cáng. Phần đa thời lượng còn lại trong video dài 4 phút chiếu cảnh nhóm nhạc hát trong phòng thu.
Lời bài hát có các cụm từ như: “Mọi người nhiều màu da đều yêu thương nhau” và “Bạo lực và hận thù biến mất, chỉ có tình yêu thương và hòa bình ngự trị”.
Theo Epoch Times, hôm 1/7, Facebook đã gỡ bỏ video của nhóm Zion’s Joys, gắn nhãn bài đăng này là “nội dung chính trị”. Facebook có các quy định mới: “Tất cả các quảng cáo về vấn đề bầu cử và liên quan đến bầu cử trên Facebook và Instagram tại Mỹ phải gắn kèm thông tin rõ ràng, trong đó bên quảng cáo phải công khai cụm từ ‘Được tài trợ’ ngay trên đầu bài đăng có trả tiền quảng cáo”.
Một phát ngôn viên của Facebook sau đó đã gửi lời xin lỗi nhóm nhạc Công giáo vì đã gỡ bài của họ và phát đi tuyên bố nói rằng chính sách của họ là “mới, phạm vi rộng và được đưa ra để ngăn chặn can thiệp bầu cử, do vậy chúng tôi đang yêu cầu mọi người có nội dung nằm trong các quy tắc đó hãy tuân thủ quy định bằng việc gắn nhãn ‘được tài trợ’ để quảng cáo của mình có thể chạy”.
Tuyên bố của Facebook nói thêm rằng: “Riêng trường hợp này, chúng tôi đã mắc lỗi khi xóa bài đăng gốc. Ngay khi chúng tôi đánh giá điều gì đã xảy ra, chúng tôi đã khôi phục lại bài đăng vì nó không vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi và chúng tôi đã xin lỗi nhóm Zion’s Joys”.
Được biết, hiện tại Facebook đang dùng cả công nghệ trí tuệ nhân tạo và đội ngũ nhân sự kiểm duyệt để thực hiện rà soát, phân tích các hình ảnh quảng cáo, nội dung chữ và các trang web liên kết bên ngoài có trong bài đăng để xác định bài đăng có “nội dung chính trị” hay không. Theo TechCrunch, từ đầu năm 2018 tới nay, Facebook đã tuyển dụng thêm khoảng 3000 đến 4000 nhân sự kiểm soát quảng cáo.
Epoch Times đã liên hệ với nhóm nhạc Zion’s Joys để yêu cầu họ đưa ra phát ngôn chính thức về sự cố vừa gặp phải với Facebook, nhưng nhóm nhạc này chưa phản hồi.
Trong thời gian gần đây, Facebook đang gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ khi liên tục vướng vào những sự cố gắn nhãn nhầm các quảng cáo không phải chính trị thành “nội dung chính trị”.
Đầu tháng này, tờ nhật báo Liberty County Vindicator tại bang Texas đã nhận được thông báo của Facebook về việc đăng các nội dung có tính thù hận sau khi tờ báo này đăng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Facebook sau đó đã gửi lời xin lỗi về sai sót của họ. Biên tập viên của tờ Liberty County Vindicator cho rằng có thể cụm từ “Tàn sát người Da đỏ” (Indian Savages) trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập đã khiến bộ phận kiểm duyệt của Facebook nhầm lẫn.
Một trường hợp khác cũng xảy ra đầu tháng 7/2018, Facebook đã chặn không cho ban nhạc Wes Cook, tại thành phố Nashville, bang Tennessee đăng quảng cáo tựa bài hát “Tôi ủng hộ lá cờ này” (I Stand for the Flag). Bài đăng của Wes Cook ban đầu đã được Facebook duyệt, nhưng sau đó mạng xã hội này đã chặn quảng cáo với lý do bài hát có “nội dung chính trị”. Facebook một lần nữa phải gửi lời xin lỗi về sai sót này.
Thuật toán của Facebook thậm chí đã chặn quảng cáo về bánh ngọt của một tiệm bánh ngọt ở New York sau khi xếp bài đăng của tiệm bánh này có “nội dung chính trị”.
Với việc làn sóng chỉ trích Facebook gia tăng, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vào thứ Ba (17/7) sẽ tổ chức phiên điều trần với sự có mặt của đại diện từ Facebook, Google và Twitter để làm rõ việc liệu các mạng xã hội này có đang lọc nội dung vì thiên vị chính trị.
Đây là lần thứ hai chủ đề điều trần này được tổ chức tại Hạ viện. Cuộc điều trần lần đầu diễn ra vào ngày 26/4, trong đó có cả sự tham gia của các nhân chứng như nhóm video blogger “Diamond and Silk”, nhóm đã cáo buộc Facebook kiểm duyệt các nội dung của họ.
Những người của Đảng Cộng hòa và có quan điểm chính trị bảo thủ từ lâu đã chỉ trích Facebook và các mạng xã hội khác kiểm duyệt nội dung của họ. Một số người thậm chí đã ký đơn thỉnh nguyện trực tuyến gửi Nhà Trắng để kêu gọi ban hành “Đạo luật Nhân quyền Internet”. Những người này lập luận rằng các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội “không nên kiểm duyệt nội dung thể hiện niềm tin chính trị hoặc ý kiến bất đồng”.
Theo Trithucvn