Mặc dù đang phải gánh nợ khủng từ nước ngoài, nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất từ Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bên cạnh đó, EVN báo cả nước có nguy cơ thiếu 3,7 tỷ kWh điện vào năm 2021, nhưng một nghịch lý là vẫn ‘dư’ để bán cho Campuchia khoảng 1 tỉ kWh. Tuy nhiên, giá bán điện không được công bố?
Sáng 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Tại kỳ họp, trong báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn kinh tế được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gửi tới các ĐBQH cho thấy, tổng nợ nước ngoài phải trả của Công ty mẹ EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) là 217.971 tỷ đồng.
Mặc dù phải gánh nợ khủng nước ngoài, tuy nhiên, vào tối 18/10, tại Nam Định, EVN đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong buổi lễ tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua ‘Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới’ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, trong 10 năm triển khai thực hiện chương trình này, EVN luôn nỗ lực cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đến nay, tỷ lệ số xã có điện trên cả nước đã tăng từ 98,69% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng tăng lên 99,47% (tương ứng 27,41 triệu hộ – tháng 6/2019).
Có 47 dự án chậm tiến độ dẫn đến thiếu điện, phải mua điện từ Trung Quốc và Lào
Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng trọng điểm ngày 17/7, ông Phương Hoàng Kim – Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) dẫn con số, 47/62 dự án công suất lớn trên 200 MW (theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh) chậm tiến độ.
Trong số này, có 23 dự án do EVN đầu tư thực hiện với tổng công suất 14.809 MW (giai đoạn 2016-2020 là 12 dự án, giai đoạn 2021 – 2030 là 11 dự án), trong đó 10 dự án đạt tiến độ và 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ.
Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 khi phụ tải tăng cao, nước về kém, thiếu hụt điện than, khí…
Theo đó, lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.
Để giải quyết một phần tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.
Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021 với mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent một kWh). Cụ thể:
Giai đoạn 2021-2022: Mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu (sẽ hết hạn vào năm 2020) để tiếp tục nhập khẩu qua các đường dây liên kết 220kV, điều khoản về giá điện giữ nguyên như Hợp đồng mua bán điện hiện nay.
Giai đoạn 2023-2025: Nâng tổng công suất nhập tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng 7-9 tỷ kWh/năm…
Sau 2025: Tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với công ty lưới điện phương Nam Trung Quốc về phương án nhập khẩu ở cấp điện áp 500kV tại Lào Cai, báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định…
Với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.
Điện trong nước thiếu hụt nhưng lại bán điện cho Campuchia
Theo đại diện EVN, mỗi năm, sản lượng điện thương phẩm bán cho Campuchia khoảng 1 tỉ kWh. Tuy nhiên, giá bán điện không được công bố.
Gần đây nhất, ngày 15/4, tờ Khmer Times dẫn lời thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết Việt Nam đã đồng ý cấp thêm cho Campuchia 50MW điện, bên cạnh hợp đồng bán tối đa 200MW điện cho xứ chùa tháp. Ông Hun Sen gửi lời cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự hỗ trợ này của phía Việt Nam.
Ông Hun Sen nói thêm rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc tốt đẹp đến Quốc vương Campuchia, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và toàn thể người dân Campuchia nhân dịp tết của người Khmer.
Thủ tướng Campuchia cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Việt Nam vì đã luôn hỗ trợ Campuchia trong những lúc khó khăn.
Từ Nguyên (t/h)