Mặc dù ở thế độc quyền ngành điện nhưng mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vừa báo lỗ sau thuế gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Sự thật có phần phi lý này có nguyên nhân không phải đến từ vấn đề bán điện của EVN, mà đến từ sự gia tăng đột ngột của chi phí tài chính.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của EVN đạt mức 130.685 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015. EVN thậm chí còn giảm được tỷ lệ giá vốn trên doanh thu từ mức 88,1% nửa đầu năm 2015 xuống còn 86,2% nửa đầu năm 2016. Lợi nhuận gộp theo đó mà tăng tới 34%, đạt mức 18.005 tỷ đồng.
Song song với đó, chi phí bán hàng của EVN trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 16,6% so với cùng kỳ 2015, còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Theo EVN, “thủ phạm” gây ra thua lỗ khổng lồ của họ là chi phí tài chính. 6 tháng đầu năm 2016, chi phí tài chính của EVN lên đến 15.459 tỷ đồng, gấp đôi con số 7.681 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến chi phí tài chính EVN tăng vọt không phải là do chi phí lãi vay, bởi chi phí lãi vay chỉ chiếm khoảng 45% chi phí tài chính của EVN và chi phí này “chỉ” tăng có 34% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhiều khả năng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính EVN tăng vọt. Thực tế thì điều này đã được chính EVN đề cập trong thời gian trước đây, thêm vào đó, một số công ty con của EVN như EVN Genco 1, Genco2 và Genco 3 đều ghi nhận mức lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, EVN ghi nhận mức lỗ sau thuế của Công ty mẹ lên đến 929 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015, tập đoàn này lãi 450 tỷ đồng.
Theo Vietnam Finance