Tinh Hoa

EU soạn thảo luật trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn cầu

Liên minh Châu Âu (EU) gần đây đã thống nhất thúc đẩy kế hoạch lập ra cơ chế trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, tương tự Đạo luật Magnitsky của Mỹ.

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. (Ảnh qua Flickr)

Hôm 9/12, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại cho biết các nước trong khối EU đã “đồng ý bắt đầu chuẩn bị cho một cơ chế cấm vận toàn cầu nhắm vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Ông Borrell cho biết thêm “đây là bước đi cụ thể nhằm tái khẳng định vai trò toàn cầu của EU trong vấn đề nhân quyền”.

Đạo luật Magnitsky của châu Âu cũng nhắm mục tiêu vào các cá nhân liên quan đến hành động xâm hại nhân quyền trên toàn thế giới. Những người này sẽ phải đối mặt với việc bị EU phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào khối này.

Wall Street Journal trích lời các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết, quyết định cuối cùng về đạo luật sẽ được các nước thành viên EU đưa ra sau khi bộ khung đạo luật được hoàn tất. 

Quá trình này có thể sẽ mất vài tháng bởi một số nước như Hy Lạp, Đảo Síp, Ý và Hungary vẫn tỏ ra dè dặt về đạo luật vì họ có quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc. Trong khi đây lại là những nước có nhiều quan chức bị tố tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Dù EU chưa đưa ra khoảng thời gian cho việc đệ trình bộ khung đạo luật mới, nhưng các nhà ngoại giao EU cho biết có khả năng bộ khung này sẽ được đưa ra để duyệt lần cuối sớm nhất vào năm sau. 

Được biết, đạo luật Magnitsky được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2012, mục đích ban đầu là trừng phạt các quan chức Nga chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky. 

Tuy nhiên từ năm 2016, đạo luật này đã được áp dụng trên quy mô toàn cầu. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng như cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ tại Mỹ.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, đã có tổng cộng 170 cá nhân và tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì vi phạm đạo luật này.

Các nước Anh, Canada và 3 nước vùng Baltic cũng đã thông qua các luật tương tự.

Thùy Linh (t/h)