Tinh Hoa

EU nhóm họp trừng phạt Nga, 7 thành viên từ chối

Các nhà lãnh đạo của khối EU chuẩn bị nhóm họp và đưa ra quyết định liệu có tiếp tục lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Theo Bloomberg, đã có 7 quốc gia thuộc khối này từ chối gia hạn trừng phạt.

7 nước EU dự kiến sẽ từ chối gia hạn lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga bao gồm các nước Síp, Hy Lạp, Slovakia, Hungary, Áo, Tây Ban Nha và Italia.

Hôm thứ Tư (18/3), phát biểu tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên của cơ quan chính sách đối ngoại EU cho hay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, sẽ kêu gọi các nước thành viên EU tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt chống Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.

EU có tiếp tục gia tăng trừng phạt Nga hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ

Phát ngôn viên này tuyên bố: “Chúng tôi cần đi đến thống nhất giữa việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk và các lệnh trừng phạt”. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, một số nước EU tin rằng biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga là một động thái sai lầm.

Hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhắm vào Nga sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.

Đa số các chuyên gia tại Brussels nhận định, lệnh trừng phạt của châu Âu không gây ra ảnh hưởng thực tế đến các chính sách của Nga về Ukraine và chỉ khiến người Nga ngày càng “ghét” phương Tây.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo EU có thể thông qua quyết định thành lập một cơ quan ở Brussels nhằm “tuyên truyền chống Nga”. Tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo diễn ra vào tháng 6, phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ phải đệ trình các biện pháp hỗ trợ tự do báo chí tại châu Âu.

Ngoài ra, kiến nghị về việc thành lập nhóm các chuyên gia đặc biệt tập trung vào chiến lược truyền thông cũng được thảo luận trong cuộc họp. Trong khi đó, các chuyên gia từ các nước Baltic sẽ chịu trách nhiệm truyền thông về Nga.

Hồi cuối tháng 1, bà Mogherini cho hay, EU có thể thành lập phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Nga. Ngay sau đó, Nữ phát ngôn viên Maja Kocijancic cho biết EU chuẩn bị cho kế hoạch thành lập phương tiện truyền thông nhằm vào đối tượng khán giả nói tiếng Nga tại các quốc gia Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Moldova, Ukraine và các nước EU.

Hồi tháng 11/2014, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, Đại sứ của Nga tại EU Vladimir Chizhov nhận định, một chiến dịch phỉ báng Nga trên phương tiện truyền thông phương Tây là biểu hiện của chiến tranh thông tin.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.

Phương Lâm (lược dịch)

Theo Infonet