Liên minh châu Âu (EU) hôm Thứ Ba (30/9) đã quyết định giữ nguyên lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga do hành động hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
28 quốc gia EU đã áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga, đồng thời đóng băng toàn bộ tài sản của khoảng 140 cá nhân, công ty của Nga và Ukraine có vai trò quan trọng đối với Moscow ở Ukraine.
Quan chức EU cho biết còn quá sớm để bỏ cấm vận mặc dù thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và phiến quân, theo nhận định của Brussels là bước đầu tiên giải quyết căng thẳng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh.
“Chúng tôi đang giữ nguyên biện pháp trừng phạt”, một quan chức cho biết sau khi các đại sứ EU xem xét việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch hòa bình rộng hơn ở Minsk hôm 5/9.
Các đặc phái viên lưu ý, “khuyến khích phát triển đã được đề cập trong quá trình đàm phán cấp quốc gia và lúc thi hành một số điều khoản của Nghị định thư Minsk”, bên cạnh đó, cần phải duy trì vĩnh viễn lệnh ngừng bắn, phát ngôn viên của EU là Maja Kocijancic thông tin.
Thỏa thuận ngừng bắn đã được thực hiện rộng rãi dù vẫn thường xuyên bị vi phạm.
Khi EU thông qua gói biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Nga thì các đại sứ cũng đồng ý xem xét việc thực thi kế hoạch hòa bình tại Ukraine vào cuối tháng Chín.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, đồng thời cũng là người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh EU nhận định, nếu tình hình chiến sự được giải quyết triệt để, có thể sửa đổi lệnh trừng phạt, tạm dừng, thậm chí là hủy bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho biết họ sẽ không xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga trong giai đoạn hiện nay.
Tình thế khó khăn
“Không ai muốn đề cập đến khả năng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận trong bối cảnh vẫn còn xung đột như thế này”, quan chức khác của EU nhận định.
Bảy binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hôm Chủ Nhật (28/9) do quân ly khai nã súng vào đoàn xe bọc thép chở họ, đây cũng là số lượng binh lính Ukraine thiệt mạng nhiều nhất kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được thực thi.
NATO tuần trước thông tin, đã thấy quân đội Nga rút đáng kể ra khỏi Ukraine, tuy nhiên một số lính Nga vẫn còn lưu lại và “hàng ngàn” binh lính khác lại đang triển khai gần biên giới Ukraine.
Moscow phủ nhận việc gửi quân đến Ukraine hoặc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi từ phương Tây.
Khi đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đã được áp cho Nga, nhóm đại sứ họp tại Brussels yêu cầu giới chức EU tiếp tục theo dõi tình hình Ukraine cho đến cuối tháng 10, tin ngoại giao cho biết.
Các thành viên EU có quan điểm không thống nhất về cấm vận đối với Nga sau khi chính phủ nước này chiếm đóng khu vực Crimea hồi tháng Ba và ủng hộ quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Một số lãnh đạo của các nước EU như thủ tướng Slovak là Robert Fico và thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai chê trách các biện pháp trừng phạt.
Nhiều chính phủ không muốn gây thù hằn với Nga, nhà cung cấp năng lượng hàng đầu trong EU, và e ngại sẽ bị nước này trả đũa.
Nga đã đáp trả các đòn trừng phạt của EU và Hoa Kỳ bằng lệnh cấm nhập khẩu hầu hết các thực phẩm từ phương Tây.
Tuy nhiên, Johannes Hahn, người được chỉ định tiếp nhận chính sách mở rộng của Ủy ban châu Âu cho biết vào tối thứ Ba (30/9), khối đã nhất trí lên án hành động hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine của Nga.
“Nga không nên đánh giá thấp nguyên tắc và lập trường vững chãi của EU. Cho đến khi chủ quyền lãnh thổ (của Ukraine) được khôi phục, chúng ta không thể có bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga”, ông Johannes Hahn nói với các nhà lập pháp của EU.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Yahoo News