Liên minh Châu Âu mới đây đã áp đặt mức thuế lên đến 73,7% đối với thép Trung Quốc sau khi các công ty thép ở đây phải cắt giảm việc làm và giảm giá sản phẩm do phải đối mặt với dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Năm 2015, hàng ngàn người trong ngành công nghiệp thép ở Anh đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp này đã phần nào đổ lỗi cho thép giá rẻ Trung Quốc khi họ phải vật lộn để tìm được nguồn tiêu thụ cho sản phẩm của mình.
Hôm 7/10 vừa qua, EU đã nhất trí áp đặt thuế nhập khẩu từ 13,2%- 22,6% đối với thép cán nóng của Trung Quốc thường được dùng trong các đường ống hay bình đựng khí và 65,1%-73,7% trên thép tấm được sử dụng trong các công trình dân dụng.
Cơ quan thương mại ngành công nghiệp thép ở Anh hoan nghênh sự điều chỉnh mới của EU. Tuy nhiên, họ cho rằng trong khi mức thuế đối với thép tấm là đủ mạnh để đảm bảo công bằng thương mại thì mức thuế cho thép cán nóng là không đủ cao.
Điều này sẽ gây thiệt hại cho Port Talbot, nhà máy thép lớn nhất Anh Quốc và có thể khuyến khích Trung Quốc tiếp tục bán phá giá trên thị trường EU.
Tương lai của 11.000 nhân viên tại Port Talbot và Tata Steel cũng như các công ty Ấn Độ tại Anh đang xem xét việc sáp nhập vào tập đoàn Thyssen Krupp của Đức vẫn chưa được xác định. Tất cả đang chờ đợi những biện pháp của chính phủ Anh cho vấn đề này.
Thép là một trong những ngành công nghiệp của Trung Quốc có sản lượng tăng nhanh trong thập niên qua cho đến khi cung vượt cầu, khiến giá cả tụt giảm và hàng hóa chất đống không bán được.
Bắc Kinh đã ra lệnh cho các ngân hàng quốc doanh phát vay để hỗ trợ việc xuất khẩu thép dẫn đến những than phiền rằng họ đang bán thép thấp hơn giá thị trường, qua đó vi phạm các cam kết thương mại.
Trước đó, Mỹ đã áp mức thuế chống phá giá đến 522% đối với thép nhập từ Trung Quốc.
Ngược lại, phía Bắc Kinh cũng lập tức phản ứng với những biện pháp được xem là không công bằng và áp đặt thuế chống bán phá giá riêng đối với một loạt sản phẩm thép nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hoàng An, Theo The Guardian