Hôm Thứ Hai (29/6), sau vụ nổ tên lửa vận tải của ISS, Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX đã đưa ra những nhận định đầu tiên. Tên lửa Falcon 9 phát nổ chỉ sau 2 phút 18 giây rời bệ phóng và dữ liệu đo từ xa được tàu Dragon cho thấy thùng nhiên liệu giai đoạn 2 của tên lửa đã gặp trục trặc trước khi mọi thứ nổ tung.
Trên trang Twitter cá nhân, Elon Musk nói rằng: “Đã có hiện tượng áp suất tăng đột ngột trong thùng chứa oxy lỏng thuộc tầng giai đoạn trên cùng của tên lửa. Những dữ liệu đã gợi ý về một dấu hiệu bất thường … đó là những gì chúng tôi có thể tự tin khẳng định vào lúc này. Sẽ có thêm chi tiết sau khi chúng tôi phân tích biểu đồ hỏng hóc”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành SpaceX là Gwyne Shotwell tiếp tục củng cố cho lý giải trên khi nói tầng tên lửa giai đoạn 1 của Falcon 9 vẫn vận hành bình thường trong giai đoạn đầu của chuyến bay và “chúng tôi không cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ tầng tên lửa giai đoạn 1. Chúng tôi đã nhận thấy một số dấu hiệu về áp suất trong tầng tên lửa giai đoạn 2 và đang tiếp tục điều tra”.
SpaceX sẽ phối hợp với FAA để tìm ra nguyên nhân sau cùng gây nên vụ nổ. Bà Shotwell nhấn mạnh rằng với việc tên lửa Falcon 9 cùng tàu Dragon được tích hợp nhiều hệ thống quan trọng và hàng nghìn các kênh đo đạt dữ liệu thì “chúng tôi sẽ sớm tìm ra nguyên nhân” và “sẽ có thể trở lại hoạt động bay một cách an toàn với độ tin cậy cao nhất có thể”.
SpaceX trước mắt sẽ ngưng mọi hoạt động bay của Falcon 9 đồng thời chờ đợi kết quả điều tra.
Trước đó Falcon 9 đã thực hiện 18 lần phóng thành công liên tiếp kể từ khi đi vào khai thác vào năm 2010 và lần phóng vừa rồi là đợt chuyển hàng tiếp tế thứ 7 theo hợp đồng giữa SpaceX và NASA.
Tên lửa Falcon 9 phát nổ là một phiên bản nâng cấp với hệ thống thùng nhiên liệu mở rộng, hiệu quả hơn, động cơ nhẹ hơn và hệ thống máy tính kiểm soát chuyến bay mới.
Nó đưa tàu vận tải Dragon mang 1800 kg trang thiết bị và hàng hóa tiếp tế lên trạm không gian ISS, trong đó bao gồm một hệ thống adapter quan trọng (International Docking Adapter – IDA) hỗ trợ cho việc gắn kết các tàu không gian trong tương lai của Mỹ với trạm. Hệ thống IDA thứ 2 đã được lên lịch phóng bằng tàu vận tải Dragon vào Tháng 9/2015, nhưng sau sự cố vừa qua thì lịch trình này sẽ bị lùi lại. Ngoài ra, các kế hoạch đưa con người lên không gian của SpaceX cũng bị tạm hoãn, chờ hãng hoàn thiện các công nghệ cần có để có thể tái sử dụng động cơ tên lửa đẩy.
Một điều đáng chú ý là vụ tai nạn của Falcon 9 xảy ra chỉ 8 tháng sau khi tàu vận tải của Orbital Sciences Corp phát nổ do lỗi động cơ và hồi Tháng 4, tàu vận tải Progress của Nga cũng gặp sự cố sau khi bay vào quỹ đạo, không thể tiếp cận ISS.
Chính vì chuỗi sự kiện này, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ tỏ ra rất thất vọng, Giám đốc Hoạt động Không gian William Gernstenmaier cho biết vụ nổ là điều không mong muốn, và nó thể hiện “Các chuyến bay vũ trụ không đơn giản và tôi nghĩ đây là những thách thức mà chúng tôi đang đối mặt. Chúng tôi bắt đầu với vụ việc của Orbital vào mùa thu năm ngoái, sau đó chúng tôi mất tàu Progress cách đây vài tháng và giờ là SpaceX”.
Điều quan trọng nữa hơn là NASA đã mất hầu hết các trang thiết bị nghiên cứu trên chuyến bay, mất cả hệ thống IDA, các bộ quần áo du hành không gian và rất nhiều nghiên cứu quan trọng.
Gerstenmaier nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi mất tất cả chỉ trong khoảng thời gian 1 năm nhưng thực tế đã xảy ra”.
Mất tàu Progress và Dragon, NASA cùng các đối tác của trạm không gian ISS đang đối mặt với nhiều khó khăn khi không thể triển khai các dự án xây dựng hệ thống lưu trữ thực phẩm, quần áo và các loại hàng hóa tiêu thụ khác.
Thêm vào đó, kế hoạch chuẩn bị nền tảng ráp nối cho thế hệ tàu vũ trụ mới cũng bị trì hoãn do mất hệ thống IDA. Ngoài ra, vụ tai nạn của tàu Dragon cũng ảnh hưởng đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và phụ thuộc vào thời gian SpaceX khắc phục vấn đề. Hiện tại Dragon là tàu duy nhất còn hoạt động có thể đưa các mẫu nghiên cứu và hàng hóa khoa học trở lại Trái Đất để phục vụ cho công tác phân tích.
Theo tinhte.vn