Chụp ảnh và sống ở Việt Nam mới khoảng 4 năm, song Réhahn Croquevielle đã có tới 45.000 tấm ảnh về miền đất bây giờ anh nói là anh chọn làm nhà.
Những tấm ảnh của Réhahn bắt đầu len vào những tạp chí uy tín và trang cá nhân trên mạng xã hội có tới 200.000 fan. Là người không dễ xúc động với các con số, song tôi cũng tự hỏi đề tài Việt Nam sao lại có nhiều người quan tâm đến vậy.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm mà Việt Nam cũng chẳng hóa rồng, hóa cọp như mấy nước châu Á láng giềng. Chẳng có cả thảm hoạ sóng thần hay núi lửa. Con tê giác cuối cùng thì cũng bị giết lâu rồi. Dòng người du lịch ngày một rút xuống. Có người thề không bao giờ trở lại.
Thế chuyện quái gì đã xẩy ra?
Gặp tôi tại Versailles gần Paris hồi cuối tháng Năm trong lần triển lãm ảnh của mình tại đây, Réhahn hỏi một câu khá cà chớn, không Pháp một tí nào, mặc dù anh sinh ra ở vùng Normandie:
– Biết ảnh của mình không?,
– Sơ sơ, mình không dành nhiều thời gian theo dõi báo chí Việt Nam. Đọc chán phèo, toàn cắt dán. Thế mới có tự do báo chí à? Tôi trả lời.
Réhahn cười, một nụ cười hiền hậu. Chúng tôi làm quen với nhau như thế và bắt đầu tranh luận thẳng thắng vì “Thật thà là cha giả dối”.
Réhahn bắt đầu ca thán về cái thị trấn nhỏ nơi anh sinh, về những người hàng xóm gốc Bắc Phi mà anh mô tả là đang làm vẩn đục những giá trị truyền thống. Anh chỉ cho tôi xem những đoạn phim những kẻ tù tội chơi bài, hút shisha và khoe những đồng tiền 50 euro kiếm được qua sát phạt rồi đưa lên mạng Facebook. Anh phẫn nộ khi nói “Thế có bình thường không?”.
Réhahn kể về công việc làm ăn đầu tiên khi anh mở một xưởng in. Công việc củng cố cho anh kiến thức đồ hoạ và marketing. Rồi tiền mất, tật mang, phá sản trong công việc và khó thở với thuế vụ.
Nhờ sự trợ giúp của gia đình Réhahn mới tránh được phiền nhiễu. Anh kêu ca Paris ồn ào và nạn tắc đường, nhịp sống chóng mặt ở Pháp. Pha chút đắng vần thơ Dilgo Khyentsé Rinpoché: “Les flammes brûlantes de la colère ont parcheminé le flot de mon être ” (Ngọn lửa cháy bỏng của giận dữ đã bao phủ dòng chảy cuộc đời tôi).
Về phần mình, tôi bắt đầu nói cảm nghĩ về chuyến đi Việt Nam của mình vào đầu năm nay. Tại đây, tôi cũng phải có “dũng khí trèo lên đầu thù” cần thiết mỗi lần băng qua đường ở chính giữa Hà Nội. Một hình ảnh ví như như thân phận rơm rác của cô dân quân địa đầu biên giới phía Bắc trước chiến thuật biển người của Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa.
Rồi Réhahn kể về Hội An, “ốc đảo” của anh, một thị trấn nhỏ bình yên. Bốn năm ở đây anh không gặp phải sự cố nào đáng kể, và anh kể về những người dân coi anh như người nhà, họ ân cần và ấm áp.
Nghe Réhahn kể, tôi mường tượng cái ngạc nhiên, thích thú của anh khi khám phá ra Hội An với những bức tường mầu vàng rong rêu, chiếc cầu có mái như ngôi chùa nhỏ thoảng kiến trúc Nhật Bản thế kỷ xa xôi nào đó.
Lẽ nào như tiền định của nàng Kiều? Chữ “ôi ” bất ngờ như thán từ Acsimet với Ereka khi tìm ra thật giả trong chiếc vương miện vua chúa. Cái sửng sốt đặt vào con chữ như bỏ ngỏ trong chính tên anh thành Hội An, nơi hội tụ của an lành.
Ảnh của anh thường tập trung vào các chi tiết trên khuôn mặt đã tạo nên sắc vẻ riêng cho mỗi nụ cười, những nếp nhăn quanh khóe mắt là dấu vết cuộc đời đã hằn lại trên khuôn mặt của cụ già người dân tộc.
Tên Réhahn trong tiếng Pháp phiên âm ra tiếng Việt là Rê-an. Có một cái nón và chữ “an” thì sẵn đó rồi.
Cái ngạc nhiên như buột miệng mà ra trộn lẫn trong tên miền đất này Réhahn phát âm rất sõi, không giống đa số người Pháp gọi là “Ôi an”. Vì chữ “h” thường nuốt âm trong tiếng Pháp, y hệt như anh nói “hết tiền rồi”, hiểu ngay. Chắc câu thường nhật? Người châu Âu tới xứ này ai không “ôi ôi” cũng “a a”?
Một cô gái Hà Nội xem ảnh của Réhahn và nhắn cho tôi trên facebook: “Ảnh đẹp quá, anh ấy là người rất nhân hậu thì phải?
Anh ấy yêu được vẻ đẹp đằng sau sự nghèo khó của trẻ nhỏ, sự vất vả thô mộc và dấu tích thời gian ở những người già. Chỉ những người (Ta hay Tây) đã vượt ngoài những định kiến văn hoá mới trân trọng vẻ đẹp chân thực, mà nó không còn nhiều nữa.
Xem ảnh em cũng giật mình, có lẽ bản thân mình cũng đã bị cuốn đi bởi cuộc sống đầy vật chất này. Nhìn thấy ảnh chụp những bàn tay nhuốm mầu thuốc nhuộm rất xúc động. Đơn giản là đẹp, có ý nghĩa,” cô gái từ Hà Nội viết.
Cách thể hiện ảnh chân dung của Réhahn mạnh mẽ, giầu truyền cảm. Khuôn mặt của một mẹ già lái đò như vạc trên những thớ gỗ sần mưa nắng, dãi dầu thiên niên kỷ đạn bom, bần hàn mà vẫn tươi một nụ cười rất Việt. Hay nét buồn dữ dội, cái nhìn như xoáy, như trách tuổi thơ đánh mất của một em bé Bắc Hà. Réhahn có tấm ảnh An Phước có đôi mắt xanh. Đôi mắt kiêu kỳ biếc mầu nước biển trào lên những trấn áp trội của những gen sẫm mầu. Sắc thiên thanh mỏng mảnh khép nép, đẹp mà day dứt quá như thoảng đâu mầu đỏ quết trầu kỳ thị, ganh ghét.
Thông, một cô gái cũng ở Hội An tới dự triển lãm tranh ở Versailles nói với tôi:
“Hầu như mọi người Việt Nam khi nhìn thấy An Phước có cặp mắt mầu xanh thì mọi người kỳ thị. Cái đó thì em cũng không biết được gì, do là lúc xưa chiến tranh gì đó thì người Việt Nam có cặp mắt mầu xanh nó ra sao ấy …
Câu nói của Thông nhắc tôi về một mảng bị quên lãng. Ở một xã hội đa sắc tộc như Pháp, nền văn hoá này cấy ghép cho tôi một cảm quan cởi mở và nhân tính và ít đố kỵ.
Thông nói tiếp: Sapa, tên của người em gái của An Phước, mới chỉ bảy tuổi, chỉ nói được tiếng Chăm thôi, chứ không nói được tiếng Việt mà nó muốn gặp Réhahn, về Hội An chơi thì nó ham học ghê lắm. Sapa nói là đang cố học tiếng Việt để nói chuyện. Còn An Phước nói em đang đi học tiếng Anh để nói chuyện với Réhahn.
Tôi tưởng tượng những nỗi đau xa xôi qua những câu chuyện của Thông, của Réhahn về sắc tộc Chàm ở Ninh Thuận về cái ghetto bủa vây lấy những người dân tộc, những kỳ thị vô lý vì họ tin vào một tôn giáo, hoặc đơn giản là vì họ đẹp hơn.
Tôi quên bẵng không hỏi chuyện học hành của Sapa và An Phước. Một em bé bảy tuổi không nói tiếng Việt? Mầu xanh trong đôi mắt các em là mầu xanh đôi mắt của một chàng lính viễn chinh đã một lần ghé qua làng hay mầu khói lam u uẩn trên những ngọn tháp Chàm của vương quốc bị gươm giáo Việt xoá sổ thế kỷ 19? Sao em không nói thứ tiếng của tôi ?
Bây giờ đợi Réhahn đến em mới đoái hoài rằng ngoài Ninh Thuận còn có chốn khác?
Những câu hỏi bỏ ngỏ đưa tôi ngược dòng về những trăn trối của Chế Lan Viên “Đi tìm cái tôi đã mất”. Một câu chuyện cổ tích “Công chúa ngủ trong rừng” thời soi mói Internet thế kỷ 21?.
Tôi hỏi Réhahn về bức ảnh bàn tay biến dạng với công việc, với giọt chàm tong tong tràn qua kẽ ngón tay: Ở Châu Âu và ở nước Pháp người ta về hưu ở tuổi 60-67. Réhahn có áy náy hay nổi loạn không khi nhìn những người già ở Việt Nam vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh?
“Đương nhiên, tôi đã gặp những mẹ già người Bắc đang gánh củi hay coằn lưng chở đồ trên đường, nặng nhọc. Vất vả, rất vất vả.
“Mặt khác tôi cũng điều tiết trong nhận định của mình khi gặp mẹ già tên là Bùi Thị Phượng khi trả lời câu hỏi tương tự. Bà nói, bà không thích nhàn rỗi ở nhà. Điều đó buồn chán. Vì với bà, cuộc sống là lao động. Bà thấy ý nghĩa cuộc đời trên chiếc thuyền với mái chèo của mình. Đó là cơ hội gặp gỡ mọi người. Tôi nhìn thấy hai hoàn cảnh. Một, thật đáng buồn khi họ không có lựa chọn nào khác. Đó là vấn đề. Có những cụ 78 tuổi, thậm chí 91 tuổi chăm sóc mảnh vườn riêng, trồng rau. Họ không ngừng lao động. Một công việc bức thiết. Hoặc tôi nhìn thấy những người không có con cái ít con, hoặc con cái đi xa. Con cái họ ra những thành phố lớn mưu sinh. Họ nhọc nhằn,thật sự vất vả, tự mình làm tất tật, đơn độc.
“Đấy, đấy là những điều thực sự gây phẫn uất, thật sự đáng buồn. Song như tôi nói, tôi có cơ may tiếp cận hai khía cạnh trong một vấn đề. Đương nhiên tôi có so sánh khác biệt lớn với nước Pháp, khi ở đó họ nghỉ hưu sớm hơn nhiều, chẳng ai còn mưu sinh ở tuổi 70 hoặc 80.
“Tôi cũng chẳng tránh được sốc khi lần đầu tiên đến Việt Nam. Vâng tôi bị sốc,” Réhahn nói với tôi.
Réhahn tâm sự anh mong muốn ở lại Việt Nam lâu dài, có lẽ là ở hẳn. Anh đã có giấy phép ở lại thêm 3 năm. Giống ở Pháp, giấy tạm cư 3 năm, 5 năm,10 năm và vĩnh viễn. Anh mong muốn được phép trưng bầy những bức tranh của anh quanh hồ Hoàn Kiếm. Chiếc hồ xanh mầu lục tảo có chiếc cầu đỏ dẫn vào ngôi đền trưng bầy một con rùa khô, nhắc ước mong nthanh bình không gươm đao. Xung quanh hồ vốn chỉ trưng bầy những bức tranh cổ động gân guốc, cứng nhắc, với điệp khúc từ giai đoạn “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “hàng mẫu không bán”, không có gì…
Tôi mong và chúc Réhahn những điều tốt đẹp. Mong làm nhòa ranh giới trong đầu giữa về nhà chứ không phải về chơi. Mong câu xa vắng Réhahn tâm sự trong quán rượu trong lần gặp tôi rằng “dù sao mình cũng chỉ là một du khách chụp ảnh Việt Nam” tan biến như khói lam chiều, chỉ là một câu vô tình.
Mong anh ở lại, đừng xa rời đất nước Việt Nam như người du lịch Mỹ đã bỏ đi và viết 16 điều “Tại sao tôi ghét Việt Nam”. Được thế thì hay quá. Người tài sao cứ bỏ mà đi?
Chúc anh có thêm những bức ảnh nữa về những người chân lấm tay bùn, những hình ảnh thật thà. Một thiết tha, không muốn chữ mong rơi vào mong manh.
Mong những Công chúa ngủ trong rừng biết hát bài “Làng tôi” và em sẽ mặc chiếc áo dài mầu trắng thanh thoát như một bông hoa huệ kiêu xa trong bức ảnh cô gái mỏng manh, lung linh trên mầu nghệ xa vắng bức tường rêu phong phố cổ Hội An, nơi hạnh ngộ của tình yêu, an lành.
Cám ơn Réhahn của tôi.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một nhiếp ảnh gia sống và làm việc tại Pháp. Xem ảnh của Rehahn tại đây.
Theo BBC Tiếng Việt