Vào ngày 16/1 vừa qua, trong lúc đang di chuyển vào địa phận TP Đà Nẵng, đoàn tàu SE3 chở theo khoảng 200 hành khách đã bị trật bánh tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân. Sự cố làm đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn hơn 5 giờ đồng hồ.
Vào khoảng 10h10 hôm qua (16/1), khi đoàn tàu SE3 đang lưu thông theo hướng Hà Nội – TP.HCM thì bất ngờ bị trật bánh ở toa số 8. Sự cố xảy ra tại km766+550, phía bắc đèo Hải Vân (thuộc địa phận Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sự cố đoàn tàu trật bánh đã làm nhiều hành khách hoảng sợ, rất may không có người bị thương.
Ngay sau sự cố, tổ lái tàu đã báo về Trung tâm điều hành vận tải (ga Đà Nẵng) để điều tiết các chuyến tàu khác dừng bánh, không để xảy ra va chạm.
Chiều cùng ngày, các lực lượng CSGT đường sắt, khoảng 50 người cùng nhiều phương tiện được điều đến hiện trường để cứu hộ.
Phương án khắc phục sự cố được đưa ra là điều đầu tàu đưa phương tiện thiết bị cứu hộ, khắc phục sự cố từ ga Kim Liên (P.Hiệp Hòa Bắc) TP Đà Nẵng lên tiếp cận xử lý. Tuy nhiên, do địa phận xảy ra sự cố không có sóng điện thoại để liên lạc nên đoàn cứu hộ rất khó khăn trong công tác phối hợp xử lý.
Trao đổi với phóng viên, Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sự cố đoàn tàu SE3 trật bánh trên đèo Hải Vân đã được khắc phục lúc gần 16h chiều (16/1)
Sự cố này đã làm cho 9 đoàn tàu bị chậm, trễ chuyến. Trong đó, các đoàn tàu SE1, SE19 và SE23 chạy hướng Hà Nội – TP.HCM chở theo gần 1.000 hành khách phải dừng bánh lại ở ga Lăng Cô để chờ sự cố được khắc phục, tiếp tục hành trình.
Trước đó, vào khoảng 11h10 ngày 29/6/2019, đoàn tàu SE3 di đang di chuyển khu vực này cũng đã bị trật bánh khoảng 10cm tại toa số 4. Nơi xảy ra sự cố là Km 764 tại địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vị trí tàu gặp nạn cách ga đỉnh đèo Hải Vân khoảng 1km và cách sự cố lần này hơn 2km.
Được biết, tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện nay có tốc độ lưu thông thấp nhất thế giới do chạy qua nhiều đô thị đông dân cư, qua nhiều đèo có khúc cua gấp, giao cắt với đường bộ nhiều, đường đơn, đặc biệt là khổ đường hẹp (1 m). Bên cạnh đó, sau hơn 100 năm tuyến đường sắt này không có sự đổi khác.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng nhìn nhận: “Trên thực tế, hạ tầng đường sắt của Việt Nam mặc dù được hình thành từ rất lâu nhưng trong suốt thời gian qua chưa có điều kiện để đầu tư phát triển do yêu cầu về vốn đầu tư rất lớn, khả năng xã hội hoá của hạ tầng đường sắt không cao”.
Từ Nguyên (t/h)