TP – Về Đường Lâm một năm sau khi công bố quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ (tháng 3/2014), phóng viên ghi nhận rất nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên ngay trong khu vực lõi di sản. Trong khi đó cả Ban quản lý (BQL) lẫn người dân vẫn kêu khổ.
Những tòa nhà cao tầng ở Đường Lâm. Ảnh: T.Toan Nhà mới ồ ạt Theo số liệu của BQL di tích làng cổ Đường Lâm, tính trong năm 2014, có khoảng hơn 40 hộ xây nhà mới cao tầng. Từ cổng làng cổ Đường Lâm vào thôn Mông Phụ, du khách không khó để thấy những mái nhà nhô cao hơn hẳn so với các nhà cổ, nhà truyền thống được xếp hạng. Có nhà đã lên rêu, có nhà mới toanh. Dọc đường dẫn vào nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Mông Phụ), dễ nhận thấy hai bên đường san sát nhà hai tầng mái bằng, hoặc mang phong cách châu Âu, quét ve xanh, vàng nổi bật. Ở gần chùa Mía (thôn Đông Sàng) có ngôi nhà mới mọc lên, có nhà tường còn chưa ráo. Nếu đặt khách du lịch vào khung cảnh này, hẳn họ cũng không thể nghĩ đang ở làng cổ Đường Lâm-được công nhận di sản quốc gia từ năm 2006. Vào thăm nhà ông Hà Văn Toán ở xóm Xui, thôn Mông Phụ đúng ngọ, vừa hay ông đi làm về. Nhà hai tầng vừa được xây xong phần thô, bằng gạch ống hiện đại chứ không phải loại đá ong truyền thống. “Nhà tôi xây có xin phép đàng hoàng. Ba thế hệ ở chung trong căn nhà cũ ba gian, không có phòng ngủ. Còn nếu các ông chính quyền muốn giữ nhà cổ, cứ cấp đất di dời chỗ khác, chúng tôi sẵn sàng giữ lại nhà cũ chỉ để thờ tự”, ông nói. Một trong những đặc điểm khiến người ta hình dung về Đường Lâm là nhà cổ gỗ, nhà truyền thống tường đá ong. Tuy nhiên, gia đình ông Toán nằm trong số nhiều gia đình từ chối vật liệu truyền thống. “Tôi vừa cho hết số gạch đá ong cổ. Nếu xây đá ong thậm chí tốn ít tiền hơn gạch hiện đại, tuy nhiên nó bị ngấm nước. Các vị vào nhà xây đá ong những ngày ẩm thấp thì mùi hôi xì”. Theo bản quy hoạch được phê duyệt năm ngoái, trong khu vực 1, dân vẫn được phép xây nhà hai tầng, khu vực hai được dựng nhà ba tầng. Tuy nhiên, số nhà xây này phải đảm bảo chất liệu truyền thống, tuân theo bản vẽ thiết kế, hoặc khống chế độ cao dưới 7,5m đối với khu vực 1 và 10,5m đối với khu vực 2 của di tích; cách đường lớn 10m, cách đường nhỏ 3m, cách nhà cổ được xếp hạng, di tích 10m. Xét theo chuẩn này, hầu hết các ngôi nhà xây dựng thời gian qua ở Đường Lâm đều vi phạm. Bức xúc về chỗ ở của người dân Đường Lâm được nhắc đi nhắc lại trong suốt gần chục năm qua. Án vi phạm treo lơ lửng “Hiện nay, người dân Đường Lâm rất khổ. Các nhà quản lý coi làng cổ Đường Lâm như cái đình, cái chùa bắt bà con hàng nghìn người sống trong di tích bất khả xâm phạm. Nhưng người dân cũng phải tìm đường sinh sống trong làng cổ, phải xây nhà mới. Tuy nhiên, rất nhiều ngôi nhà xây mới trong thời gian qua đều không đúng quy hoạch, có cái về khoảng lùi, chất liệu, hoặc chiều cao”, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm nói. Theo ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, người dân xây nhà đều đến xin phép xã, nhưng do không đáp ứng về tiêu chí chiều cao, khoảng lùi và vật liệu truyền thống nên đều không được cấp phép. Theo đề án do UBND thành phố Hà Nội duyệt, người dân khi xây nhà có thể được hỗ trợ cho vay tiền, thiết kế nhà mẫu. Thực tế do kinh tế khó khăn, chính quyền địa phương khẳng định dân chưa được hưởng lợi. Chi phí cho nhà truyền thống quá cao với đa số dân địa phương. Nhiều ngôi nhà mới dựng lên đều không đúng quy hoạch, nhưng không bị xử lý. Ngoài gia đình bà Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ) bị cưỡng chế hạ độ cao những năm trước, số còn lại đều vô can? “Không phải không xử lý, chúng tôi mới khoanh lại. Từ 2015, chúng tôi kiên quyết xử lý, bắt đầu là xử lý cán bộ. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền ngay từ đầu rồi”, ông Phạm Hùng Sơn nói. Được hỏi xử lý bằng cách nào, có gây ra bất ổn cho dân không, ông Sơn nói tránh, nếu không làm thì không giữ được làng cổ. Đại diện chính quyền UBND xã Đường Lâm nói rằng, cái này vượt thẩm quyền. Như ông Sơn tự nhận, ngoài nhà bà Khanh bị xử lý (do nhà gần cổng làng), còn lại đến giờ vẫn yên ổn. Số nhà xây dựng không đúng quy định này nếu bị xử lý là thiệt hại lớn cho người dân. Tình trạng này sẽ không diễn ra nếu người dân nhanh chóng được cấp đất giãn dân. Dự án này đành bó tay, vì theo lời nhiều người dân Đường Lâm, diện tích hẹp quả làm khó cho những hộ dân cày. Chưa kể đất giãn dân nằm trên đồi, cách làng cổ dăm cây số. Một người dân Đường Lâm còn nói, đất giãn dân đó “nhiễu lắm, làm ăn không được, có khi nuôi con lợn, con gà mà không được ăn”. Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội chưa có kinh phí để thúc đẩy quỹ đất giãn dân này, nên người dân Đường Lâm vẫn trong cảnh xây nhà mới không phép, sai quy định và chưa biết ngày nào bị xử lý. Tu bổ nhà cổ rồi để hoang Ngoài những nhà cổ trùng tu được giải thưởng của UNESCO thời gian qua, nhiều người cũng bức xúc khi nhà cổ của họ thuộc diện trùng tu. Bà Kiều Thị Thảo, đồng sở hữu nhà cổ thuộc thôn Đông Sàng nói rằng, nhà cổ được trùng tu mà chủ hộ không được biết. Thực tế, ngôi nhà cổ này được chia hai, phần nhà bà Thảo sở hữu hiện để hoang nhưng vẫn được tu bổ, xong lại bỏ hoang. |
Theo Tiền Phong