Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên bản đồ thị trường công nghiệp, điện tử thế giới với những cái tên như Intel, Samsung nhưng thực chất phần tham gia của Việt Nam rất nhỏ, chỉ dừng lại ở gia công và lắp ráp.
Phía sau ánh hào quang nhiều tỷ đô của Samsung, Intel Việt Nam
Trao đổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, sự phát triển của công nghiệp ưu tiên Việt Nam phần nhiều đều thất bại do không có sức cạnh tranh, được bảo hộ (như ngành ô tô, thép, đường).
Lấy ví dụ với công nghiệp ô tô, từ năm 1994 – 1995 đã có chính sách bảo hộ và cho đến nay vẫn bảo hộ, ngành công nghiệp non trẻ này chưa bao giờ lớn nhờ được bảo hộ.
Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên bản đồ thị trường công nghiệp, điện tử thế giới với những cái tên như chip điện tử Intel, điện thoại Samsung, máy ảnh, photocopy Canon… nhưng đặc trưng chung đều là của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam dựa vào nhân công rẻ, thuê đất rẻ cùng những khuyến khích về môi trường đầu tư… Tuy nhiên, nếu nhìn đằng sau câu chuyện giá trị xuất khẩu trên 4 tỷ USD của Intel, hay điện thoại Samsung xuất khẩu tới gần 30 tỷ USD/năm, đóng góp gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thì thực chất phần tham gia của Việt Nam cũng chỉ là gia công và lắp ráp.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh cho hay, mới đây Fulbright Việt Nam đã có nghiên cứu về Intel thì cho thấy Việt Nam không có nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 nào cho hãng này, chỉ cung cấp được một vài bộ phận như giá đỡ, hộp, linh kiện nhỏ.
Thậm chí, qua tìm hiểu sâu hơn của Fulbright thì có doanh nghiệp làm linh kiện nhỏ thậm chí còn phải nhập từ Trung Quốc rồi bán lại cho Intel.
“Điều đó cho thấy, giá trị gia tăng của các nhà cung ứng nội địa cho Intel tại Việt Nam chỉ 3%, còn 97% là nhập khẩu. Còn với điện thoại Samsung thì 92% là nhập khẩu, còn lại 8% là đất đai rẻ, điện rẻ, nguồn lao động rẻ, môi trường rẻ…”, ông Vũ Thành Tự Anh nói, đồng thời cho rằng về mặt hình thức là thành công nhưng Intel, Samsung hay Canon chưa tạo ra được sự lan tỏa về công nghệ, gia tăng giá trị gia tăng, chưa trở thành cốt lõi để tạo ra được cụm ngành điện tử cho Việt Nam, thực tế vẫn chủ yếu là kiểm định và lắp ráp – những khâu tương đối đơn giản.
Việt Nam vẫn bị “kẹt” ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai
Từ thực tế phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh cho rằng vấn đề lựa chọn được những ngành, doanh nghiệp thành công có cạnh tranh, được sàng lọc qua cạnh tranh và đặc biệt là cạnh tranh sau xuất khẩu có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển.
“Sự hỗ trợ phải dành cho những người thắng cuộc trong cạnh tranh, chứ không phải cho những ngành, công ty phải dựa vào hàng rào bảo hộ, hay các ưu đãi để phát triển. Tương lai công nghiệp Việt Nam phát triển là dựa vào những nhóm cạnh tranh, phát triển không dựa vào bảo hộ và lợi thế cạnh tranh có sẵn”, tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn nêu quan điểm.
Việt Nam hiện có 6 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có rất nhiều ngành nhỏ. “Ví dụ động cơ diezel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng cỡ nhỏ. Tôi không hiểu tại sao trên cơ sở nào mà những sản phẩm như thế này lại lọt vào trong danh mục ưu tiên. Bởi nó không có cơ sở thuyết phục về năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, lan tỏa công nghệ hay những điều kiện nào đó. Bởi ngay với ngành linh kiện cho dòng ô tô chiến lược, đến tận bây giờ Việt Nam vẫn chưa xác định được đâu là dòng ô tô chiến lược để trở thành sản phẩm được ưu tiên. Đây là những quyết định hết sức thiếu sơ sở và điều đó cũng có nghĩa những sản phẩm ưu tiên phải được rút gọn lại”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
Theo chuyên gia này, việc lựa chọn công nghiệp ưu tiên phải dựa vào thực tế, năng lực cạnh tranh nội tại, dựa vào bối cảnh thị trường quốc tế.
Chính sách công nghiệp ưu tiên phải được tích hợp một cách chặt chẽ với xuất khẩu, Việt Nam dù là quốc gia có dân số hơn 90 triệu nhưng thị trường vẫn còn nhỏ. Để thành công các doanh nghiệp phải xuất khẩu để mở rộng thị trường, và còn là phép thử của cạnh tranh.
Chính phủ hỗ trợ một cách có kỷ luật đối với những công ty và ngành được ưu tiên, không hỗ trợ bằng bất cứ giá nào; khuyến khích hình thành các thể chế, tổ chức với tầm nhìn dài hạn, chứ không phải “đánh quả”. Ví dụ, phải có những ngân hàng thực sự là ngân hàng mang tầm nhìn dài hạn hỗ trợ công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Bởi thực tế, không ít chính sách khi triển khai từ Trung ương thì đúng, nhưng xuống đến địa phương lại thực hiện không còn đúng bởi tầm nhìn ngắn hạn, bị giới hạn bởi phạm vi địa giới hành chính và nhiệm kỳ.
Nếu xác định công nghiệp ưu tiên. Nên là những ngành có năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh toàn cầu.
Việt Nam nên cắt giảm, thu hẹp danh sách ưu tiên, không nên ưu tiên phát triển một số ngành cá biệt như động cơ xăng, diezen, máy công suất nhỏ và vừa…
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trí tuệ nhân tạo, IoT, kết hợp giữa thế giới thực và ảo, công nghệ gen… Nếu vẫn ì ạch ở mức tham gia chỉ 3% đối với Intel và 8% với Samsung thì vẫn chỉ là lắp ráp, gia công, Việt Nam vẫn bị kẹt ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cách đây vài chục năm là cơ giới hóa và dây chuyền lắp ráp.