Sau khi dư luận phản ứng gay gắt, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét, cho phép giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022 chỉ sau 1 ngày xin tăng học phí.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 (Nghị định về học phí đang áp dụng hiện nay) đối với năm học 2021-2022 ở tất cả các cấp, đồng thời xin lùi thời gian trình ban hành Nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022-2023) và mức tăng học phí năm tới sẽ chỉ khoảng 2,5% (bậc tiểu học không cần đóng học phí) thay vì 12,5% (bậc đại học) và 7,5% (mầm non, phổ thông) như Bộ này mới đề xuất gần đây.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý.
Nguyên nhân trì hoãn ngoại trừ do phản ứng của dư luận, còn là cân nhắc ảnh hưởng của dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động của bão, lũ liên tiếp đã để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Từ Thức (t/h)