Chỉ 2 ngày sau khi tài liệu bổ sung cho SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều được công bố, nhiều tiếng nói từ dư luận – bao gồm chuyên gia và cả giáo viên đều cho rằng nhà chức trách chỉ làm cho có, quá sơ sài!
Tài liệu điều chỉnh nội dung SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều được đăng tải trên trang điện tử của bộ sách Cánh Diều. Nội dung gồm 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị đánh giá là không phù hợp để thầy cô có thể sử dụng thay thế cùng nhiều điều chỉnh liên quan tới từ ngữ trong các bài học. Tuy nhiên, sau vài ngày công bố nhiều giáo viên cũng như chuyên gia đã đánh giá việc sửa đổi, bổ sung này quá sơ sài, từ ý thức cho tới nội dung.
Vấn đề đầu tiên cần bàn đến là ý thức nhận sai, theo cô H.T. – một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng Bộ đã yêu cầu tác giả sách sửa chữa, thay thế ngữ liệu không phù hợp nhưng nhóm tác giả chỉ bổ sung ngữ liệu, có nghĩa vẫn khẳng định quan điểm giữ nguyên ngữ liệu được cho là không phù hợp trong sách đã phát hành.
Tiếp theo là ý thức cầu thị, lắng nghe – theo cô N.T.T.V. – giáo viên lớp 1 ở TP.HCM – nhận định: “Tôi thấy tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều làm quá sơ sài. Có nhiều chi tiết sai, khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế cuộc sống mà trước đây chúng tôi đã phản ánh nhưng không hiểu sao không thấy sửa”.
Cô V. dẫn chứng nổi cộm nhất chính là sách đã dùng những từ đơn một cách vô tội vạ, sai ngữ pháp. Ví dụ:
- T.16 có hình cái cặp da nhưng SGK chỉ ghi mỗi chữ “da”;
- T.19 có hình cây đa nhưng chỉ có mỗi chữ “đa”;
- T.48 có hình cây si nhưng chỉ ghi mỗi chữ “si”;
- T.44 có hình con ngựa đang phi nhưng có mỗi chữ “phi”;
- T.54 có hình cá trê nhưng có mỗi chữ “trê”, hình con chim trĩ nhưng chỉ có chữ “trĩ”;
- T.56 có hình con chim cú nhưng có mỗi chữ “cú”;
- T.58 có hình đôi đũa mà có mỗi chữ “đũa”;
- T.68 có ảnh thắp nến nhưng có mỗi chữ “thắp”… là không đúng.
“Trong buổi họp tổ chuyên môn tháng vừa rồi, chúng tôi đã mang việc này ra bàn và nhiều giáo viên lo ngại rằng nếu cứ dạy học sinh theo SGK e rằng sẽ tập cho các em cách nói trống không, chưa kể việc giáo viên giảng dạy, giải thích cũng rất khó khăn”,cô V. nêu ý kiến.
Không chỉ là dùng từ thiếu chuẩn mực, ngữ liệu trong sách cũng thiếu tính văn. ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (THPT Bình Hưng Hoà, Quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng, tài liệu công bố chỉ có tính đối phó, chữa cháy để chiều lòng dư luận. “Căn cứ vào tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Cánh Diều của nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh có thể thấy sự chắp vá trong việc sử dụng ngữ liệu”, ông nói.
Cũng như nhiều Đại biểu Quốc hội từng nói trên nghị trường, PGS Nguyễn Hữu Đạt – viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) – vẫn giữ nguyên quan điểm: sách này phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá.
Theo ông, sai sót trong sách không thể chỉ coi là “sạn” mà là sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt…
Từ Thức (t/h)