Một nữ du học sinh tại Úc, thuộc thế hệ 9x, bởi vì đã tổ chức một sự kiện ở Melbourne để tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng và tham gia phong trào phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông mà đã bị cảnh sát Trung Quốc gây áp lực lên gia đình, buộc cô phải trở về nước để tự thú.
Du học sinh có nickname “Horror Zoo” đã đến Úc vào tháng 6 năm ngoái, tại đây cô đã tổ chức hai hoạt động tại Melbourne để tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng. Vào cuối tháng 10 năm ngoái, cô cũng đã từng đến Hồng Kông để ủng hộ phong trào phản đối dự luật dẫn độ.
An ninh quốc gia ĐCSTQ đã uy hiếp người nhà của cô
Vào cuối tháng 4 năm nay, An ninh quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã điều tra ra thân phận thực của “Horror Zoo”, đồng thời gọi cha của cô đến đồn cảnh sát lúc nửa đêm và công bố rất nhiều tội trạng của cô, bao gồm kích động người Hoa ở hải ngoại đi đến đại sứ quán biểu tình, hướng dẫn cho người khác cách vượt tường lửa, sau đó cảnh sát còn ép cha cô phải hỏi mật khẩu Twitter của cô. An ninh quốc gia nói rằng tội danh của Zoo rất nghiêm trọng, đã đăng lên báo An ninh quốc gia yêu cầu Zoo trở về nước tự thú.
Zoo nói với Epoch Times rằng, cha cô vốn là một đảng viên Đảng Cộng sản và là một học giả chuyên nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Sau khi bị Cơ quan An ninh Quốc gia đe dọa, cha cô gần đây mới tính kế dụ dỗ cô trở về nước bằng cách đánh vào tình cảm thân quyến.
“Bây giờ cha tôi yêu cầu tôi về nước tự thú vì lập trường chính trị của ông ấy. Tôi ở với ông nhiều năm như thế, trước giờ chưa từng đi du lịch với ông. Không ngờ chính là bởi vì cảnh sát đã tìm đến ông để bảo tôi về nước tự thú. Tại sao bây giờ ông lại kể những kỷ niệm ngày xưa với tôi, nói rằng ông nhớ tôi rất nhiều, còn gọi tôi trở về nước để đi du lịch với ông”, cô nói. Theo như Zoo nói, cảnh sát yêu cầu cha cô báo cáo tình hình của cô mỗi tuần.
Tại sao con đường của cô đi không giống với cha
Nói về lý do tại sao cô lại đi một con đường khác với cha mình, Zoo kể lại: “Tôi từ nhỏ thường thích náo sự, gặp chuyện bất bình là ra tay tương trợ. Từ bé tôi đã biết rằng ĐCSTQ xác thực đã làm rất nhiều điều vô cùng tàn bạo. Tôi cảm thấy mọi người đều nhắm mắt làm ngơ, nó đã trở thành thói quen, nhưng tôi lại cảm thấy không chịu đựng nổi những thứ này”.
Zoo đã học được cách vượt tường lửa từ khi còn học trung học bằng phần mềm “Freegate”. Sau khi xem bộ phim sự thật về sự kiện “Lục Tứ” (thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989) cô đã rất kinh hoàng và căm phẫn, điều đó đã để lại cho cô ấn tượng xấu về ĐCSTQ từ đó tới nay.
Zoo nói với Epoch Times rằng, người nhà cô làm việc trong bệnh viện. Khi cô lên năm, sáu tuổi, tình cờ cô đã nghe được người nhà nói về việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở trong bệnh viện. Ngoài ra còn có nội tạng của các tội phạm tử hình, nguồn nội tạng ở Trung Quốc vô cùng hỗn loạn.
“Tôi lớn lên trong môi trường của bệnh viện. Nếu như nói thực sự có tồn tại nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, thì mọi người đều hiểu rằng nguồn của những nội tạng này là bất chính, vậy mà các bác sĩ lại cảm thấy rất bình thường, và dường như họ không coi việc mình đang làm là tà ác. Tôi thì cảm thấy không thể chịu nổi”, cô nói.
Giới trẻ ngày nay không còn có chủ kiến nữa
Nhân kỷ niệm 31 năm thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4/6 năm nay, Zoo đã đăng một video lên mạng xã hội Twitter, lần đầu công khai khuôn mặt thật của mình và phản đối chế độ độc tài của ĐCSTQ.
Zoo nói rằng, trước đây khi cô ở Trung Quốc, vì không có cách nào để kỷ niệm ngày 4/6, nên cô sẽ vượt tường lửa để lên một một số trang web, đầu tiên là tìm hiểu sự thật, sau đó cũng lên Twitter đăng tải một số video nói lên suy nghĩ của mình.
“Ví dụ, vào ngày kỷ niệm 30 năm (thảm sát Thiên An Môn), bởi vì tôi vẫn còn ở Trung Quốc nên tôi không dám đăng những gì nhạy cảm đặc biệt phản đối Tập Cận Bình. Tôi chỉ đăng một số hình ảnh và bài hát liên quan đến ngày 4/6, sau đó ở trong nhà tự tưởng niệm”, cô nói.
Sau khi đến Úc vào tháng 6 năm ngoái, ngoài việc tham gia biểu tình ở Hồng Kông, Zoo đã tự mình làm một tấm biển đứng phỏng theo người đàn ông đã chặn đoàn xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn.
Ngày 4/6 năm nay, cũng là trải nghiệm tưởng niệm ngày 4/6 đầu tiên của cô ở nước ngoài. Sau nhiều ngày vật lộn khổ sở, cuối cùng cô đã quyết định đứng ra để lộ khuôn mặt thật của mình, phá tan cái bẫy nham hiểm thường dùng của ĐCSTQ là “lấy người thân làm con tin, bắt cóc những người bất đồng chính kiến”.
So với thanh niên Trung Quốc đại lục 31 năm trước, Zoo cảm thấy rằng những người trẻ tuổi ở Trung Quốc Đại lục hiện tại đã mất đi ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Cô nói rằng, hầu như tất cả bạn bè xung quanh cô đều biết đến vụ thảm sát ngày 4/6. Nhưng vấn đề là họ đã khác với thế hệ ngày 4/6 năm đó.
“Thế hệ 4/6 năm đó, họ có ý thức độc lập nhiều hơn, cũng cảm giác đất nước là của họ. Chính là bản thân mình phải có trách nhiệm với tương lai của dân tộc và đất nước. Nhưng đối với thế hệ thanh niên hiện tại mà nói, Họ đã không còn cảm thấy rằng đất nước này là của riêng họ nữa, mà ngược lại sẽ có một loại cảm giác bất lực, cảm giác mình chỉ là một cây rau hẹ”, cô nói.
Zoo nói rằng, khá nhiều người Đại lục bị ĐCSTQ tẩy não. “Bị tẩy não cũng không phải nói là họ thực sự tin vào những lời của ĐCSTQ, mà là nói họ bị những lý thuyết suông của ĐCSTQ dắt mũi dẫn đi. Đôi khi, họ không muốn cũng không có hứng thú tìm hiểu sự thật. Ví dụ, một số người cho rằng, Đảng có thể không tốt, nhưng khi họ gặp phải một sự việc nào đó, họ sẽ lại nghe theo lời của Đảng”.
Zoo cho rằng, một người tối thiểu phải có lương tri, bao gồm kỷ niệm ngày 4/6 hay đi hỗ trợ Hồng Kông, “Tôi nghĩ rằng bất kể tôi làm việc gì, đây đều là việc mà tôi nên làm”.
Zoo kêu gọi trong video: “Trước chế độ độc tài, ai ai cũng có thể trở thành số ít bị đàn áp. Chỉ khi có nhiều người trẻ tham gia cuộc đấu tranh dân chủ, dùng sáng kiến và tình cảm mãnh liệt tham gia các phong trào xã hội, để nhiều người có cùng chung ý tưởng liên kết lại với nhau, mới có thể giải quyết cảm giác bất lực và sẽ có một ngày có thể lật đổ chế độ ĐCSTQ!”.
Minh Huy (Theo Epoch Times)