Tinh Hoa

Dù đã chết, vị tướng Việt vẫn bị đánh 100 roi vào quan tài, lý do đằng sau là gì?

Đánh vào quan tài 100 roi có lẽ là hình phạt rất ít người biết có tồn tại trong lịch sử Việt.

Trong lịch sử Việt Nam tồn tại có rất nhiều hình phạt đối với những đối tượng phạm tội khác nhau. Tuy nhiên, người ta chết rồi còn đánh 100 roi vào quan tài rồi mới tha thì rất ít người tin là nó tồn tại. Tuy nhiên, 1 vị tướng quân trong lịch sử đã từng chịu hình phạt như vậy.

Vị tướng đó là Lê Văn Quân quê ở Định Tường (nay là Tiền Giang), không rõ là sinh vào năm nào, chỉ biết là mất vào năm Tân Hợi (1791). Ngay từ thời trai trẻ, ông đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh, lúc xông trận thì rất dũng mãnh, bởi vậy, người đương thời đặt cho ông biệt hiệu là Dũng Nam Công.

Lê Văn Quân ít chữ nghĩa, tính khí hẹp hòi và nhỏ nhen. Ông đã chết bởi tính khí ấy. 

Năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Phúc Ánh cho quân đánh ra Bình Thuận, sai Lê Văn Quân làm tổng chỉ huy. Nguyễn Phúc Ánh thấy rằng Lê Văn Quân tuy quả quyết và bạo dạn nhưng hay khinh suất còn Võ Tánh thì hăng hái nhưng thường nóng vội, đã thế, hai người lại không ưa nhau, nên cử Nguyễn Văn Thành cùng đi với Lê Văn Quân và Võ Tánh để kiềm chế.

Trận đầu, quân của Lê Văn Quân, Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành thắng lớn, Lê Văn Quân nhân đó tự kể và đề cao công trạng của mình, khiến Võ Tánh khinh Lê Văn Quân ra mặt. Cũng nhân đà thắng lợi, Lê Văn Quân muốn tiến đánh ra tận Diên Khánh nhưng vì bị Nguyễn Văn Thành can ngăn nên Lê Văn Quân đành phải đóng quân ở Phan Rang chờ thời. Đúng lúc đó, Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành được lệnh rút quân về, còn Lê Văn Quân thì phải ở lại. Lực lượng Tây Sơn nhân đó đánh thẳng vào dinh trại của Lê Văn Quân. Lê Văn Quân không sao địch nổi, tướng sĩ bị chết quá nhiều, buộc phải đưa thư cáo cấp. Nhận thư ấy, Nguyễn Văn Thành khuyên Võ Tánh cùng nhau đem quân trở lại, nhưng Võ Tánh quyết không nghe, chỉ một mình Nguyễn Văn Thành trở lại cứu Lê Văn Quân.

Mùa thu năm 1790, Lê Văn Quân đóng dinh trại ở Phan Rí và lại bị Tây Sơn tấn công rất gấp. Một lần nữa, Lê Văn Quân buộc phải xin quân đến cứu viện. Từ đó, ông bắt đầu nhụt chí và thấy thua kém hẳn mọi người. Sách trên viết rằng:

Vua (chỉ Nguyễn Phúc Ánh – NKT) nghe tin người Xiêm La muốn gây hấn ở ngoài biên cõi, bèn xuống chiếu triệu Lê Văn Quân. Lê Văn Quân tự cho mình là người thua trận luôn nên lấy làm xấu hổ, đã thế lại còn bị Võ Tánh khinh khi, cho nên cứ dùng dằng không chịu tiến quân ngay. Lê Văn Quân còn dâng biểu, nói:

“Khi trước ở Bình Thuận, quan quân đến cứu viện khiến giặc phải rút lui, nhưng quan quân phần nhiều làm việc càn rỡ, cướp bóc dân đen, vậy, xin phái người tới xét hỏi để giữ nghiêm quân lệnh”.

Ý Lê Văn Quân là muốn nói xấu Võ Tánh. Vua giận, quở trách Lê Văn Quân rằng:

“Việc qua lâu rồi, hà cớ gì cứ phải xét lại để gây thêm phiền nhiễu. Vả lại, triều đình đang có lắm việc phải lo, thế mà không chịu nghĩ đến, toan tính việc nhỏ”.

Lê Văn Quân sợ bị trị tội, bèn cáo bệnh, Vua đành phải sai Cai cơ là Nguyễn Văn Lợi đến thay cho Lê Văn Quân, Lê Văn Quân cứ cáo bệnh nghỉ mãi, bởi vậy, Vua chia quân lính của Lê Văn Quân ra làm ba, giao cho Phùng Văn Nguyệt, Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Văn Tính cai quản.

Mùa xuân năm Tân Hợi (1791), Lê Văn Quân từ Hưng Phú trở về. Vua sai đình thần bàn nghị (tội lỗi) của Lê Văn Quân. Đình thần đều cho rằng, Lê Văn Quân phải bị xử tử, nhưng Vua nghĩ Lê Văn Quân cũng có chút công lao nên không nỡ giết, bèn sai tước hết quan chức của Lê Văn Quân.

Lê Văn Quân xấu hổ quá, uống thuốc độc tự tử. Vua vừa tiếc lại vừa tức, tới tận nhà thương khóc, sai người lấy gậy đánh vào quan tài (của Lê Văn Quân) 100 gậy, xong mới cấp cho tám người lính làm phu mộ, lại còn cho hai người lính khác làm phụ coi mộ cho cha đẻ của (Lê Văn) Quân. Mẹ (của Lê Văn Quân) là người họ Trần, tuổi đã cao nên nhân vì có con nuôi của (Lê Văn) Quân là Lê Văn Khâm cũng đang bị bệnh, Vua liền cho (Lê Văn Khâm) về phụng dưỡng”.

Theo Ins.ĐKN