Tinh Hoa

Dư chấn thủy điện Sông Tranh 2: Nên bình tĩnh!

Theo ông Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường), dư chấn tại Thủy điện sông Tranh 2 chỉ là hiện tượng động đất kích thích, và phổ biến ở các công trình thủy điện, không gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và chất lượng công trình…

>>
Ông Trần Tân Văn đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.
Chỉ là động đất kích thích!

Thưa ông, những ngày qua, dư luận và người dân đang sinh sống tại huyện Bắc Trà My rất lo lắng tới những đợt dư chấn tại lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Dưới góc độ chuyên môn, bản chất của hiện tượng này là gì, thưa ông?

Ông Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản: Đây là hiện tượng động đất kích thích, một hiện tượng phổ biến ở các hồ thủy điện. Khi tích nước, hồ nước là một thể tích nặng đè lên lớp đất đá ở dưới làm thay đổi trạng thái ứng xuất của các thể đất đá này.

Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) Trần Tân Văn: “Dư chấn ở thủy điện sông Tranh 2 chỉ là động đất kính thích, và không đáng ngại!”

Môi trường đất đá ở bên dưới bình thường khi chưa có nước (bị một khối lượng nước lớn đè lên – p.viên) nó vẫn ở trong trạng thái chỗ căng, chỗ không căng, có chỗ gần đạt trạng thái phá hủy.

Khi bị tác động thêm bởi một lực đè khác từ bên ngoài, nó sẽ kích thích những trạng thái hiện có, chỗ đang căng sẽ căng hơn, bùng phát thành các cơn địa chấn như rung, lắc, phát ra tiếng nổ…

Những cơn dư chấn như thế, tần suất và cường độ của nó như thế nào, có đủ lớn để gây ra một sự xáo trộn đủ để làm thay đổi cả một khu vực rộng lớn về địa tầng và đời sống dân sinh, thưa ông?

Thường là nhỏ, không quá 4 độ rich-te, dao động ở mức trung bình từ 2 -3 độ rich-te. Tần suất của nó ban đầu tương đối dày, sau một thời gian nó sẽ giảm dần và không còn nữa. Đó là khi môi trường lớp đất đá bên dưới (vị trí chịu áp lực của thể tích nước – p.viên) đã giải tỏa hết những thay đổi về ứng xuất do có áp lực mới.

Những hoạt động của hiện tượng động đất kích thích như ông nói, cụ thể ở thủy điện sông Tranh 2, nó xảy ra ở khu vực chứa nước hay còn ở những khu vực nào khác, thưa ông?

Nó xảy ra ở khu vực chịu áp lực của một khối lượng mới đè lên, nên cơ bản là ở trong khu vực tích nước – lòng hồ.

Thưa ông, hiện tượng này trên thế giới đã từng xảy ra hay chưa, và có ảnh hưởng đến chất lượng công trình hay không?

Đây là hiện tượng phổ biến trên thế giới, nhất là những dự án tác động mạnh đối với vùng địa tầng nơi thực hiện dự án.

Thủy điện là một trong những dự án tác động lớn và gây ảnh hưởng lớn đối với môi trường. Động đất kích thích, như đã nói, nó xảy ra do có những thay đổi về áp lực đè lên trên bề mặt, sau đó sẽ tự mất đi, nên cơ bản không ảnh hưởng lớn tới chất lượng công trình.
“Người dân nên bình tĩnh!”
Những ngày qua, người dân sinh sống tại Bắc Trà My, nơi có thủy điện sông Tranh 2 rất lo lắng về việc, liệu có xảy ra một trận động đất lớn hay không, nhất là khi có thông tin sẽ có sóng thần ở khu vực biển. Nhiều người đã lo lắng di dời chỗ ở, gây hoang mang, xáo trộn đời sống dân cư. Liệu có xảy ra một sự cố lớn nào không, thưa ông?

Giải thích nôm na dễ hiểu, “động đất kích thích” chỉ là sự thích nghi của bề mặt đất đá chịu một áp lực mới lên bề mặt, giống như một chiếc xe tải trọng lớn đè lên một con đường mới rải đá, lớp đất đá bên dưới sẽ chịu áp lực của tải trọng này, chỗ nào không căng thì bị lún sâu xuống…

Khi đã giải quyết hết những vấn đề này, nó sẽ bền vững hơn, chặt chẽ hơn.

Về kiến tạo địa chất của khu vực Bắc Trà My có đặc điểm gì khác biệt, và khu vực này có nguy cơ động đất, núi lửa hay không, thưa ông?

Địa chất địa tầng của Bắc Trà My, nói rộng ra là khu vực tỉnh Quảng Nam đây là vùng có địa chất thuộc loại đặc biệt và tích cực ở Việt Nam: nó nằm ở điểm tiếp xúc giữa địa khối Kon Tum cổ ở phía Nam và địa hào Nông Sơn trẻ hơn ở phía Bắc; về khoáng sản thì đây là vùng duy nhất có khoáng sản phóng xạ uranium đặc biệt duy nhất ở Việt Nam; các hiện tượng thiên tai lũ lụt, sạt lở bờ sông bờ biển… ở khu vực này cũng có mật độ cao; những con sông trên địa hình đổi dòng liên tục, dịch chuyển dòng rất nhiều…

Như thế, đây là khu vực có kiến tạo địa chất không ổn định. Việc xây dựng một dự án lớn như Thủy điện sông Tranh 2 là điều không hợp lý?

Các nhà địa chất thường nghĩ theo hướng an toàn, là xây dựng dự án trên những nơi an toàn, nhưng những địa điểm đó rất hiếm. Về mặt công trình, các nhà xây dựng đã chứng minh, tùy theo hiện trạng kiến tạo địa chất của từng vùng mà người ta thiết kế xây dựng dự án cho phù hợp, tức là có tính đến những rủi ro lường trước.

Ở Việt Nam và trên thế giới, hầu hết các dự án thủy điện đều xây dựng ở những địa bàn hiểm trở, kiến tạo địa chất phức tạp… Đó là đặc thù riêng của nó.

Bắc Trà My có nằm trong ảnh hưởng động đất, núi lửa hay không, thưa ông?

Chưa có bằng chứng cụ thể nhưng tôi cũng không tin khu vực này có ảnh hưởng của hoạt động phun trào núi lửa. Nói chung, hiện tượng dư chấn đang xảy ra tại Thủy điện sông Tranh 2 là hiện tượng bình thường, người dân không nên hốt hoảng, tự nó sẽ chấm dứt khi những xung đột bề mặt của nó được giải tỏa.

Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung

Theo VietnamNet